Ngân hàng Nhà nước cung ứng ròng khoảng 70.000 tỷ hai tháng đầu năm
Thanh khoản hệ thống ngân hàng được hỗ trợ lớn, cùng tiền gửi tăng ngay từ đầu năm
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế hai tháng đầu năm 2018, với những chuyển động đáng chú ý của dòng vốn vào hệ thống ngân hàng.
Báo cáo cho biết, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân của các tổ chức tín dụng đã tăng ngay từ tháng 1/2018, tăng 0,5% so với cuối năm 2017. Đây là khác biệt, khi cùng kỳ năm 2016 và 2017 đều giảm lần lượt là 0,8% và 1,3%.
Trong diễn biến trên, vốn huy động bằng VND tăng 0,6%, chiếm 90,3% tổng vốn huy động; vốn huy động bằng ngoại tệ giảm 0,3%, chiếm 9,7% tổng vốn huy động.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thanh khoản toàn hệ thống hai tháng đầu năm nay được hỗ trợ rất lớn từ việc Ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng ròng khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
Về tín dụng, hai tháng đầu năm nay tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với các năm từ 2016 trở về trước.
Cụ thể, tháng 1/2018, tổng tín dụng (bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp) tăng khoảng 0,9% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 1,6%, năm 2016 tăng 0,8%). Tháng 2/2018, tín dụng ước tăng khoảng 1% với với cuối năm 2017.
Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục giảm. Tín dụng trung dài hạn chiếm 53,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 55,2%). Tín dụng ngắn hạn chiếm 47,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 44,9%).
Theo báo cáo trên, tỷ trọng tín dụng bằng ngoại tệ giảm vào đầu năm nay. Tín dụng bằng VND chiếm 92,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 91,6%). Tín dụng ngoại tệ chiếm 8,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 8,4%).
Cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế cập nhật đến tháng 1/2018 ít biến động so với cuối năm 2017. Trong đó, cho vay ngành công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 22,1%; cho vay đối với hoạt động làm thuê, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 16,5%; cho vay ngành nông lâm thủy sản chiếm khoảng 8,0%; cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 16,1%; cho vay tiêu dùng chiếm khoảng 18,3%.