Ngân hàng nối đuôi nhau đạt chuẩn Basel II
Chỉ trong khoảng gần một tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã công nhận 4 ngân hàng đạt chuẩn Basel II
Theo Thông tư 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Dù còn 8 tháng nữa mới là hạn cuối cùng nhưng số lượng ngân hàng đạt chuẩn Basel II đang không ngừng tăng lên.
Tại Đại hội cổ đông thường niên của ACB vừa diễn ra, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) Trần Hùng Huy cho biết, ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 845 đồng ý cho ACB áp dụng chuẩn Basel II. Như vậy, chỉ trong vòng khoảng thời gian ngắn (chưa đầy 1 tuần), Ngân hàng Nhà nước đã công nhận 4 ngân hàng đạt chuẩn Basel II.
Sẽ có thêm nhiều ngân hàng đạt chuẩn
Trước ACB, vào ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước cũng công nhận 3 ngân hàng là: TPBank, MB và VPBank đạt chuẩn Basel II. Với các quyết định được ban hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng được công nhận đạt chuẩn Basel II trong tháng 4 này sẽ bắt đầu tuân thủ các quy định tại Thông tư 41 từ ngày 1/5/2019. Điều này cũng đồng nghĩa mọi hoạt động của những ngân hàng này sẽ tuân thủ theo chuẩn mực Basel II từ ngày 1/5/2019.
Vào thời điểm cuối năm 2018, Vietcombank, VIB và OCB cũng là những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công nhận. Như vậy, cộng thêm TPBank, MB, VPBank và ACB, số lượng ngân hàng được chấp thuận cho áp dụng Basel II sớm đã lên có số 7.
Tuy nhiên, số lượng này chưa dừng ở đó, bởi một số ngân hàng cũng đang có những bước đi cuối cùng để được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II. Cụ thể, tại đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra, ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank cho biết, HDBank đã nộp hồ sơ xin áp dụng chuẩn Basel II trước thời hạn từ tháng 1/2019. Với tiến độ hiện nay, chậm nhất đến cuối quý 2/2019 sẽ được Ngân hàng Nhà nước đồng ý cho áp dụng trước hạn.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng cho biết, ngân hàng đã triển khai thí điểm thành công các quy định của Ngân hàng Nhà nước về tính toán tỷ lệ an toàn vốn (Thông tư 41) trên phạm vi toàn hệ thống. Đến nay, MSB đã trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt việc tuân thủ Thông tư 41 trước hạn.
Hay tại Vietbank, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Nhung cho biết, dự kiến trong quý 2/2019, ngân hàng sẽ nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước để xin áp dụng chuẩn Basel II...
Được biết, mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2019 đang diễn ra, một số ngân hàng cũng cho biết đang hoàn tất những bước cuối cùng để nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin áp dụng chuẩn Basel II.
Lợi ích đem lại sẽ rất lớn
Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Tuân thủ theo Basel II là ngân hàng đã được thừa nhận đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn và bền vững hơn.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường.
Ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, để đạt được thành công này, TPBank đã chủ động nghiên cứu, thực thi Basel II. Ngân hàng này tham gia tích cực các nội dung của Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng triển khai cho các ngân hàng thực thi Basel II như: tính toán tác động định lượng, thực hiện báo cáo định kỳ triển khai Basel II, tham gia chương trình đào tạo do Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tổ chức trong suốt 3 năm qua.
"Đạt chuẩn Basel II sẽ giúp TPBank có nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng", ông Hưng chia sẻ.
Với VPBank, một lãnh đạo của ngân hàng này cho biết, một trong những thách thức mà nhiều ngân hàng gặp phải khi triển khai Basel II đó là đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu. Ở khía cạnh này, VPBank liên tục đáp ứng rất tốt trong những năm qua, với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) luôn cao hơn rất nhiều so với quy định 8% theo tiêu chuẩn Basel II.
Tuy nhiên, tỷ lệ an toàn vốn chỉ là một điều kiện buộc phải tuân theo, còn lợi ích lớn hơn ngân hàng có được khi hoàn toàn tuân thủ Basel II là áp dụng những tiêu chuẩn đó vào hoạt động kinh doanh. Đi cùng với đó là mô hình quản trị rủi ro với ba vòng bảo vệ. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh, trong 3 năm qua, ngân hàng đã tập trung vào việc cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và quản trị rủi ro.
"Với việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tuân thủ Thông tư 41, VPBank đã xây dựng được một khung quản trị rủi ro vững chắc", lãnh đạo của VPBank chia sẻ. Đồng thời, do một trong ba trụ cột của Basel II là minh bạch thông tin, hoạt động quản trị doanh nghiệp của VPBank cũng sẽ minh bạch hơn, nâng cao tính hiệu quả hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Cuối cùng, khung quản trị rủi ro vững chắc và hoạt động minh bạch sẽ tạo nền tảng cho ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai một cách bền vững và hiệu quả.
Còn tại MB, đại diện lãnh đạo của ngân hàng này cho biết, quản trị rủi ro là nền tảng trọng yếu ở các giai đoạn chiến lược của ngân hàng và nằm trong nhóm 4 chuyển dịch chiến lược trong giai đoạn 2017-2021, trong đó triển khai và ứng dụng Basel II là cốt lõi.
"Những kết quả ứng dụng từ triển khai Basel II đã giúp hoạt động quản trị rủi ro không chỉ dừng lại ở việc nhận diện, đưa ra những giải pháp giảm thiểu rủi ro mà còn được thể hiện trong hiệu quả quản trị kinh doanh, đảm bảo nền tảng vững chắc, an toàn cho ngân hàng", đại diện của MB chia sẻ.