14:50 16/04/2018

Ngân hàng phí chồng phí và khối tài nguyên giá bèo

Minh Đức

Phí chồng phí cùng khối tài nguyên giá bèo đang lý giải cho một cấu phần gia tăng lợi nhuận ngân hàng

Nguồn tiền gửi không kỳ hạn gia tăng và hiện có những ngân hàng chỉ trả lãi suất như mang tính tượng trưng với... 0,1%/năm - Ảnh: Quang Phúc.
Nguồn tiền gửi không kỳ hạn gia tăng và hiện có những ngân hàng chỉ trả lãi suất như mang tính tượng trưng với... 0,1%/năm - Ảnh: Quang Phúc.

Liên tiếp trong hai ngày 7 và 8/4, hệ thống tin nhắn tự động của một ngân hàng lớn báo trừ tiền tài khoản khách hàng, phí dịch vụ.

Phí thứ nhất, 11.000 đồng/tháng dịch vụ Mobile Banking. Phí thứ hai, 11.000 đồng/tháng dịch vụ tin nhắn chủ động. Vị chi, mỗi tháng các tài khoản sử dụng hai dịch vụ này mất 22.000 đồng cố định.

"Ăn" cả hai đầu

Đó chỉ là hai trong hàng chục loại phí mà khách hàng phải sống chung khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện nay, tập trung ở tài khoản và thẻ trong thanh toán và giao dịch.

Với những người có lượng giao dịch nhiều hàng tháng, rút - chuyển tiền với các loại phí từ 2.200 - 3.300 - 11.000 đồng mỗi giao dịch tùy loại, chi phí sử dụng dịch vụ ngân hàng đang có triển vọng trở thành một hóa đơn đắn đo hơn trong cuộc sống thường ngày của nhiều người.

Với những nhu cầu đơn giản, ví dụ như bố mẹ ở quê hàng tháng cần chuyển khoản cho con học ở thành phố, dù chỉ một giao dịch chuyển và nhận, để chủ động và thuận tiện giám sát tiền đến tiền đi mà sử dụng những dịch vụ trên, phí cố định hai chiều gia đình phải trả là 44.000 đồng/tháng, cộng thêm phí chuyển khoản riêng mỗi giao dịch, cộng thêm phí nếu con rút tiền ra đóng học qua ATM…

Ở ví dụ trên, để tránh bớt phí, bố mẹ chỉ mở một tài khoản và thẻ cho con, rồi kéo lùi văn minh bằng cách bỏ công và thời gian ra ngân hàng nộp hoặc chuyển tiền mặt.

Phí chống phí. Khách hàng vừa phải trả phí cố định hàng tháng cho "đăng ký và duy trì dịch vụ", vừa phải trả thêm phí mỗi khi thực hiện các giao dịch trên nền dịch vụ đó.

Đó là phí đánh trực tiếp ở đầu sử dụng. Ở đầu gián tiếp khác, lặng lẽ hơn nhưng giá trị ngày một bồi đắp: tiền gửi thanh toán của khách hàng.

Cũng tại ngân hàng lớn trên, kiểm tra lại, mức lãi suất trả cho tiền gửi thanh toán (không kỳ hạn) cho khách hàng hiện ở mức bèo bọt nhất từ trước đến nay. Trước nay, ngân hàng lý giải rằng, lợi ích nguồn tiền gửi thanh toán của khách hàng vẫn được trả lãi. Kỳ thực, mức lãi suất áp dụng hiện chỉ mang tính tượng trưng, mang tính chất gọi là có trả với… 0,1%/năm. Trong khi tiền gửi thanh toán là khối tài nguyên có vai trò lớn, giúp các ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua cũng như để gia tăng lợi nhuận hiện nay.

Sự im lặng của tiền lẻ

Báo cáo kết quả kinh doanh 2017 nhiều nhà băng cập nhật vừa qua cho thấy, tỷ trọng tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn gia tăng nhanh trong cơ cấu. Nếu những năm trước, tỷ trọng này chỉ khoảng 10%, thì tại nhiều thành viên đã gia tăng được lên 20 - 30%.

Đó cũng là xu hướng gia tăng các giao dịch trong nền kinh tế, gắn với nền nhu cầu trong dân cư. Nhu cầu và quy mô giao dịch mở rộng, tiền gửi thanh toán càng lớn. Và với tỷ trọng trên, khối tài nguyên giá bèo với lãi suất kiểu 0,1%/năm này đã và đang giúp các ngân hàng pha loãng chi phí huy động vốn, cải thiện tỷ lệ lãi biên (NIM). Nói cách khác, nguồn vốn rẻ càng lớn, lợi nhuận càng có cơ sở để tăng.

Những năm trước, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hầu hết áp phổ biến 0,36 - 0,38%/năm, nay giảm mạnh như trên cùng tỷ trọng nguồn gia tăng, ngân hàng được cả hai chiều.

Khối tài nguyên tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng dồn góp từ những "món tiền lẻ" cá nhân duy trì hoặc số dư nhỏ phục vụ nhu cầu thanh toán. Riêng lẻ thường không lớn. Cũng như những món phí thanh toán riêng lẻ không lớn. Chúng chỉ rộ lên mỗi lần các ngân hàng tăng thu, rồi lại im lặng sống chung.

Vì cho đến thời điểm này, chưa có bất kỳ một ý kiến hay lý giải cụ thể nào từ cơ quan quản lý, hay từ nhà cung cấp dịch vụ tới khách hàng sau những đợt thông tin tăng phí rộ lên thời gian gần đây.

Nhưng, những món tiền lẻ gửi không kỳ hạn và phí giao dịch những món nhỏ đó đang ngày càng có tiếng nói lớn và có trọng lượng trong lợi nhuận ngân hàng.

2017 và 2018, các ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 15 - 16%, tổng tài sản chi tiêu tăng phổ biến dưới 20%, vốn điều lệ không nhiều thành viên tăng được trên 10%, thế nhưng lợi nhuận đang có nhiều hơn những tốc độ tăng trưởng 30%, 40%, 60% và thậm chí trên 80%.

Động lực bù đắp cho chênh lệch cân đối các chỉ tiêu trên có vai trò lớn từ tăng thu phí dịch vụ, cũng như giá trị khai thác khối tài nguyên nguồn vốn không kỳ hạn.

Ngoài ra, chính tài nguyên cơ sở tài khoản khách hàng cá nhân đang là nền tảng để nhiều ngân hàng thương mại có nguồn thu đột biến trong 2017 và dự báo cả những năm tới từ bán chéo sản phẩm dịch vụ, điển hình là "mùa vàng phí bảo hiểm" đã và đang thể hiện.