09:57 09/01/2019

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Bình Minh

Nền kinh tế toàn cầu có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,9% trong năm nay so với mức tăng 3% trong năm 2018

Giám đốc điều hành (CEO) Kristalina Georgieva của Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh: Reuters.
Giám đốc điều hành (CEO) Kristalina Georgieva của Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế toàn cầu có thể chỉ đạt mức tăng trưởng 2,9% trong năm nay so với mức tăng 3% trong năm 2018, do căng thẳng thương mại gia tăng và thương mại quốc tế suy yếu - Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo.

"Vào thời điểm đầu năm 2018, nền kinh tế toàn cầu có đà tăng trưởng mạnh mẽ trên mọi phương diện, nhưng động lực đó đã mất dần trong năm, và chặng đường thậm chí có thể trở nên gập ghềnh hơn trong năm nay", hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành (CEO) Kristalina Georgieva của WB trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) mới nhất được WB công bố ngày 8/1.

Cảnh báo trên được WB đưa ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc rơi vào một cuộc chiến thương mại căng thẳng và đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp để chấm dứt cuộc chiến này. 

Thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua nhiều phiên giao dịch "sóng gió" trong những tháng qua vì mối lo chiến tranh thương mại gây suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.

Trong lần dự báo trước, WB nhận định kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3% trong năm 2019.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2020 cũng được định chế này giảm về mức 2,8% từ 2,9% đưa ra trong lần dự báo trước.

Theo báo cáo của World Bank, kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng 2,5% trong năm nay, so với mức tăng 2,9% trong năm 2018. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,2% năm nay, so với mức tăng 6,5% trong 2018.

Bản báo cáo cũng nhận định các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng 4,2% trong 2019, trong khi các nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức độ tăng 2%.

"Những rủi ro suy giảm tăng trưởng ngày càng rõ rệt hơn", báo cáo có đoạn viết. "Biến động mạnh trên thị trường tài chính có thể gây gián đoạn hoạt động tại các nền kinh tế bị ảnh hưởng và gây tác động lan tỏa. Căng thẳng thương mại có thể leo thang hoặc lan rộng, làm sứt mẻ hoạt động tại các nền kinh tế liên quan và tạo ảnh hưởng tiêu cực trên toàn cầu".

WB cho rằng Mỹ vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới, nhưng đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ sớm giảm sút bởi tác dụng của chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ sẽ mất dần, cộng thêm việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) nâng lãi suất. 

Dù không cho rằng kinh tế Mỹ sẽ sớm rơi vào suy thoái, WB xem môi trường chính trị nhiều bất ổn và mức nợ doanh nghiệp cao của Mỹ là một sự kết hợp đáng lo ngại.

"Hỗn hợp chính sách của Mỹ sẽ dịch chuyển từ mở rộng sang thu hẹp trong kỳ dự báo, với tất cả chính sách tiền tệ, tài khóa và thương mại sẽ trở thành một rào cản đối với các hoạt động kinh tế trong hai năm tới", báo cáo có đoạn viết. "Trong bối cảnh như vậy, những cú sốc tiêu cực ở mức độ tương đối nhỏ có khả năng gây gián đoạn sự tăng trưởng kinh tế hiện nay".

Mặc dù vậy, WB cho rằng ảnh hưởng của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế sẽ lớn hơn đối với các quốc gia thu nhập thấp. Báo cáo nói rằng công tác xóa đói giảm nghèo đang ngưng trệ ở khu vực tiểu sa mạc Sahara, nơi được dự báo chiếm tới 87% số người nghèo trên thế giới vào năm 2030.

Để giữ nền kinh tế toàn cầu trong trạng thái vững vàng hơn, WB khuyến nghị các quốc gia đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển kỹ năng cho người dân, nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư, và giảm hàng rào thương mại thay vì nâng lên như Mỹ đã làm gần đây.