Ngân hàng Xây dựng: Trọng tâm của tiến trình tái cơ cấu
Năm 2018, CB xác định chuẩn bị sẵn sàng cho tiến trình tái cơ cấu giai đoạn 2 là nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng Xây dựng
Là ngân hàng đầu tiên trong số 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà Nước mua lại quyền sở hữu, Ngân hàng Xây dựng (CB) đã và đang có nhiều nỗ lực đổi mới theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Sau hơn 3 năm chuyển đổi mô hình 100% thuộc sở hữu Nhà nước, tích cực hoàn thành tái cơ cấu giai đoạn 1, năm 2018, CB xác định: chuẩn bị sẵn sàng cho tiến trình tái cơ cấu giai đoạn 2 là nhiệm vụ trọng tâm của CB. Ông Đàm Minh Đức - Tổng giám đốc CB đã có những chia sẻ về nhiệm vụ này.
Gần 3 năm kể từ khi thuộc sở hữu Nhà nước, xin ông cho biết đâu là những kết quả tích cực của CB so với thời điểm trước khi thuộc sở hữu Nhà nước?
Ngày 5/3/2015, Ngân hàng Nhà nước mua lại 100% vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây Dựng và trở thành chủ sở hữu của Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng Việt nam. Sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và phải đối mặt với những khó khăn, yếu kém nội tại, nhưng với sự hỗ trợ lớn của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực của tập thể đội ngũ nhân viên, CB đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.
Trước hết, CB đã giữ vững được ổn định trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, củng cố và gia tăng niềm tin của khách hàng đối với hoạt động của CB. Quy mô các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so trước thời điểm 5/3/2015.
Số dư huy động vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng. Đối với hoạt động cho vay: sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép triển khai cho vay trở lại, CB đã triển khai cho vay đa dạng các sản phẩm tín dụng mới đối với cá nhân (cho vay mua xe ôtô, cho vay mua nhà ở/đất ở, xây mới, cho vay tiêu dùng, cho vay sản xuất kinh doanh, bảo lãnh trong nước, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa…).
Đặc biệt, công tác xử lý, thu hổi nợ không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm, mà còn là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu được lãnh đạo ngân hàng trực tiếp vào cuộc cùng các cán bộ nghiệp vụ.
Tính đến thời điểm 30/11/2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó: nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ; nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng.
Đây là dấu ấn đặc biệt quan trọng của CB trong nỗ lực và quyết tâm xử lý nợ do đặc điểm các khoản nợ xấu của CB rất phức tạp, liên quan đến các vụ án, tài sản bị kê biên..; kết quả xử lý nợ phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ và kết quả xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, CB đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu sau khi phê duyệt đề án như nhân sự, các chính sách quản trị rủi ro, cải thiện hạ tầng công nghệ, chủ động triển khai thành công một số dự án hiện đại hóa trong hoạt động cho vay và điều hành hoạt động, ứng dụng tiện ích các phần mềm quản lý cho vay, giải pháp quản trị văn phòng điện tử, hệ thống kiểm soát chi phí tự động, quản trị rủi ro...
Theo ông, những nỗ lực và định hướng của CB sẽ có được những tác động như thế nào khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng chính thức áp dụng?
Sau 3 năm chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước, CB đã duy trì và củng cố hoạt động ngân hàng ổn định với nhiều kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu thời gian vừa qua vẫn gặp nhiều khó khăn chồng chất, đặc biệt là chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và có rất nhiều nội dung chưa có tiền lệ.
Với tư cách là một lãnh đạo điều hành CB, tôi rất phấn khởi khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua. Nếu như trước đây có nhiều trường hợp Luật chưa có quy định về tiền lệ thực thi, thì việc áp dụng Luật bổ sung sẽ mở ra cơ hội mới cho CB trên hành trình thực hiện đề án tái cơ cấu Ngân hàng.
Đây là điểm mấu chốt có tính chất quyết định đến thành công của Đề án tái cơ cấu của CB nói chung và các Ngân hàng thương mại mua bắt buộc nói chung. Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước có điều kiện thực hiện các giải pháp, chính sách mạnh để triển khai các nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu CB. Niềm tin cho CB hiện thực hóa Đề án tái cơ cấu.
Nhiệm vụ trọng tâm của CB năm 2018, năm thứ 3 thuộc mô hình quản lý sở hữu Nhà nước?
Năm 2018 khi các phiên tòa liên quan đến những khoản nợ "ngàn tỷ" có kết quả ngã ngũ, CB sẽ tích cực đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ, thu hồi, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong phát triển kinh doanh ngân hàng bán lẻ. Chúng tôi hy vọng khi Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung chính thức áp dụng sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu.
Về định hướng của CB, tôi xin được trích dẫn phát biểu của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trong chuyến thăm và làm việc với CB tại Long An "Các ngân hàng trong đó có Ngân hàng Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn 1 đề án tái cơ cấu; sang giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu, mỗi tổ chức tín dụng sẽ có đề án tái cơ cấu của riêng mình". Và CB chuẩn bị sẵn sàng cho tiến trình tái cơ cấu giai đoạn 2 là nhiệm vụ trọng tâm của CB, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.