09:05 27/09/2019

Ngành cơ khí đang trong xu hướng tụt hậu

Mạnh Đức

Ngành cơ khí Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tụt hậu, không đủ sức giữ được "sân nhà"

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tình trạng chung hiện nay của hầu hết doanh nghiệp cơ khí trong nước là đều yếu về thiết bị, công nghệ, trình độ quản lý sản xuất hay nghiên cứu thị trường... dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, thiếu sức cạnh tranh. Thực tế này cho thấy, ngành cơ khí Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tụt hậu, không đủ sức giữ được "sân nhà" chứ chưa nói đến xuất khẩu. 

Báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam diễn ra ngày 24/9/2019 cho thấy, đến nay, các doanh nghiệp cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí mà nền kinh tế đang cần. 

Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam được ban hành từ năm 2002 là phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước.

"Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất"

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách vĩ mô phát triển ngành cơ khí trong thời qua đã được xây dựng khá đầy đủ, bài bản, nhưng khi triển khai lại chưa hiệu quả, giữa quyết định và tổ chức thực hiện có độ sai lệch lớn, khiến ngành cơ khí phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Có chuyên gia đã ví von: "Chính sách ở trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất".

Cụ thể, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 đã được Chính phủ ban hành từ năm 2002 nhưng tới năm 2011, thậm chí đến năm 2014, nhiều chính sách mới được thực thi. Không những vậy, việc tổ chức thực hiện, triển khai những chính sách này cũng thiếu nhất quán. 

Chẳng hạn, đã có chính sách về tín dụng theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí phê duyệt tại Quyết định số 186/2002/QÐ-TTg, nhưng thực tế rất ít doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi này và đến nay đã không còn tác dụng. 

Tiếp đến, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm (giai đoạn 2009 - 2015). 

Trên cơ sở danh mục các sản phẩm được hưởng ưu đãi theo chương trình, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã chủ động "đón đầu" nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm có chất lượng trong diện được nhận ưu đãi, nhưng trên thực tế, sự hỗ trợ không đầy đủ như quy định. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến hết năm 2015, mới có 11 dự án được xem xét hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, nhưng cuối cùng chỉ vỏn vẹn có 3 dự án được ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với số tiền 374 tỷ đồng trên tổng số tiền 9.978,18 tỷ đồng (bằng 3,75% số vốn được xem xét) và thực tế mới giải ngân được 60,75 tỷ đồng (bằng 16% hợp đồng đã ký). 

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi lại càng co hẹp hơn. 

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1791/QĐ-TTg phê duyệt Cơ chế thí điểm, thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025, với mục tiêu chung là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết kế cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước. 

Theo đó, 11 hệ thống các thiết bị phụ trợ đồng bộ sau thuộc phạm vi các dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1, Quỳnh Lập 1 được tách ra khỏi gói thầu EPC và giao cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện. Giá trị thực hiện của các hệ thống này chiếm khoảng 30% tổng giá trị thiết bị của một nhà máy nhiệt điện đốt than. 

Thế nhưng, trong báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) khẳng định, đến nay chưa có một nhà máy nào trong 3 dự án được thực hiện theo yêu cầu tại Quyết định 1791. Như vậy, đến thời điểm này các doanh nghiệp cơ khí trong nước chưa có cơ hội để thực hiện các nội dung liên quan tại quyết định trên. 

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Chỉ Sáng, việc các chính sách định hướng thiếu hiệu quả, không được thực thi nghiêm túc không những làm cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước mất đi cơ hội có thêm việc làm, nâng cao năng lực, mà còn cản trở mục tiêu đề ra và kìm hãm nền kinh tế đất nước. 

Cần sự ổn định của chính sách

Với đặc thù đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi lâu, ngành cơ khí cần có tầm nhìn dài hạn. Do vậy, rất cần những chính sách phù hợp, nhất là khi xuất phát điểm của các doanh nghiệp cơ khí trong nước đều có quy mô nhỏ và vừa, trình độ kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế... 

Để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm phần lớn), việc hỗ trợ thêm những nguồn lực về vốn, đất đai, lãi suất,... rất cần thiết. Tuy nhiên, điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm không chỉ là ưu đãi, mà quan trọng hơn là sự ổn định của chính sách. 

Việc thực thi kém hiệu quả các chủ trương, chính sách về ngành cơ khí trong thời gian qua đã khiến niềm tin của các doanh nghiệp giảm sút, thị trường mất định hướng. 

Chính vì vậy, đã đến lúc cần có những thay đổi căn bản và mạnh mẽ hơn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai các chính sách phát triển ngành cơ khí để giúp doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bài bản và tầm nhìn dài hạn, tạo cơ hội phát triển tốt hơn trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.

Xác định cơ khí là ngành "xương sống" của nền sản xuất xã hội, cung cấp thiết bị, máy công cụ, máy động lực cho tất cả các ngành kinh tế, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, luôn định hướng xây dựng chính sách tín dụng ưu đãi hướng tới đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành cơ khí.

Về kết quả cho vay đối với lĩnh vực công nghiệp cơ khí, theo số liệu báo cáo dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tính đến thời điểm 31/7/2019, tổng dư nợ tín dụng đối với một số ngành công nghiệp cơ khí đạt 294.420 tỷ đồng. 

Trong đó, dư nợ đối với các ngành cơ khí chế tạo đều có xu hướng tăng: ngành sản xuất thiết bị điện đạt 28.213 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cuối năm 2018; ngành sản xuất xe có động cơ và phương tiện vận tải đạt 43.767 tỷ đồng, tăng 40,02% so với năm 2018...

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành cơ khí tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên đầu tư dàn trải, đồng thời cần có các quy định pháp luật, chính sách, cơ chế cụ thể cho ngành cơ khí trong nước khi thẩm tra, quyết định các công trình trọng điểm quốc gia có sử dụng ngân sách nhà nước.

Đối với ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật... 

Về phía các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ khí, cần nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, tài chính và công nghệ của doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, tạo dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác, tạo dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Liên quan đến vấn đề xây dựng các chính sách cho ngành cơ khí, ông Ngô Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV cơ điện và vật liệu nổ 31 kiến nghị, cần nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, tạo điều kiện cho phát triển cơ khí chế tạo thông qua các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng, đào tạo cán bộ; xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ "mềm" cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước phát triển. 

Đặc biệt, cần có chính sách ngăn chặn đưa công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam; cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; nghiên cứu, ban hành những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp Việt Nam về chính sách thuế tương tự như các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp FDI thay vì các doanh nghiệp đi tìm cách lách luật như hiện nay.

Trước yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ khác; đồng thời, ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học. 

Đặc biệt, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cũng như tạo ra các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.