11:27 16/03/2019

Ngành dầu lửa Venezuela có thể suy sụp vì khủng hoảng mất điện

Diệp Vũ

Giá dầu WTI chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức cao nhất 4 tháng, khép lại tuần tăng mạnh nhất 1 tháng

Sự giảm tốc kinh tế toàn cầu và sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ vẫn đang là những nhân tố gây áp lực giảm lên giá năng lượng này - Ảnh: Getty/MarketWatch.
Sự giảm tốc kinh tế toàn cầu và sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ vẫn đang là những nhân tố gây áp lực giảm lên giá năng lượng này - Ảnh: Getty/MarketWatch.

Tình trạng mất điện toàn quốc ở Venezuela có thể khiến ngành công nghiệp dầu lửa của nước này suy sụp, gây gián đoạn nghiêm trọng đối với thị trường dầu thế giới - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo hôm thứ Sáu.

Tuy nhiên, báo cáo của IEA, tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp, cũng cho rằng Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - có đủ khả năng bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung dầu từ Venezuela.

Theo hãng tin CNBC, báo cáo trên của IEA được đưa ra vào thời điểm Venezuela, quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, đang chìm trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây ở bán cầu Tây. Khủng hoảng kinh tế, siêu lạm phát, căng thẳng chính trị, và khủng hoảng mất điện đang khiến quốc gia Nam Mỹ này trở thành một mớ hỗn độn.

"Khủng hoảng điện ở Venezuela đã làm tê liệt nhiều vùng của quốc gia này", báo cáo của IEA đánh giá. "Có những dấu hiệu cho thấy tình hình đang được cải thiện, nhưng hệ thống điện đã xuống cấp đến nỗi chúng tôi không thể chắc chắn là sự cố được khắc phục bền vững… Trong tuần qua, hoạt động của ngành dầu lửa Venezuela đã bị gián đoạn nghiêm trọng, và sự sụt giảm nguồn cung dầu tiếp diễn trên quy mô lớn có thể đặt ra thách thức đối với thị trường".

Trục trặc ở Guri, nhà máy thủy điện hàng đầu Venezuela, đã khiến Venezuela rơi vào tình trạng mất điện toàn quốc suốt từ hôm thứ Năm tuần trước. Mất điện liên miên khiến xuất khẩu dầu của Venezuela sụt giảm chóng mặt và đời sống hàng triệu người dân nước này vốn đã khổ cực nay lại càng thêm khốn đốn.

Một số khu vực của Venezuela đã có điện trở lại vào hôm thứ Ba tuần này, nhưng tình trạng mất điện vẫn kéo dài ở nhiều vùng. Theo nhiều dự báo, điện khó có thể được cấp bình thường trở lại ở Venezuela trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng nữa.

Theo một bản tin của hãng tin Reuters hồi đầu tháng này, chỉ trong vòng 1 tháng đầu tiên sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa của Venezuela, xuất khẩu dầu của nước này đã giảm gần một nửa, còn 920.000 thùng/ngày, từ mức khoảng 1,5-1,6 triệu thùng/ngày trước đó.

Từ đầu năm đến nay, OPEC và đối tác gồm Nga thực hiện kế hoạch giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Bởi vậy, báo cáo của IEA cho rằng OPEC, mà chủ yếu là Saudi Arabia, có khả năng bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung dầu từ Venezuela.

Theo IEA, công suất khai thác dầu dự trữ hiện nay của các nước thành viên OPEC vào khoảng 2,8 triệu thùng/ngày. Trong đó, công suất dự trữ của Saudi Arabia chiếm 2/3. "Phần lớn công suất dự trữ này thuộc loại dầu tương tự như dầu mà Venezuela xuất khẩu", báo cáo nhấn mạnh. "Vì thế, trong trường hợp có sự sụt giảm nguồn cung từ Venezuela, về lý thuyết, công cụ để ngăn sự gián đoạn trên thị trường là sẵn có".

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,09 USD/thùng, còn 58,52 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,07 USD/thùng, còn 67,16 USD/thùng.

Tuần này, giá dầu WTI tăng 4,4%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong 1 tháng, còn giá dầu Brent tăng 2,2%.

Xu hướng tăng của giá dầu gần đây được xem là kết quả từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga. Tuy nhiên, sự giảm tốc kinh tế toàn cầu và sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ vẫn đang là những nhân tố gây áp lực giảm lên giá năng lượng này.