10:49 16/03/2018

Ngành hồ tiêu trước "cơn bão" rớt giá

Nguyễn Huyền

Mặc dù khối lượng hạt tiêu xuất khẩu tăng nhưng lại giảm mạnh về trị giá so với cùng kỳ

Tính chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu đạt 30 ngàn tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 36,5% về lượng nhưng giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tính chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu đạt 30 ngàn tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 36,5% về lượng nhưng giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Giá tiêu đang được các doanh nghiệp và đại lý thu mua quanh mức 59.000 - 62.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2015. Nếu không có giải pháp cơ cấu lại một cách hợp lý, hồ tiêu sẽ tiếp tục gặp khó!

Tuần qua, giá hạt tiêu sau khi không đổi ở phiên đầu tuần, đến giữa tuần giá đã có sự biến động tuy không nhiều từ 500 - 1.000 đồng/kg. Đặc biệt phiên cuối tuần (ngày 9/3) giá giảm mạnh ở hầu hết các vùng nguyên liệu 1.000 -3.000 đồng/kg và đến ngày 12/3 giá đi ngang không đổi.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2018 Việt Nam đã xuất khẩu 12,9 ngàn tấn hạt tiêu, trị giá 47,3 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 31,3% về trị giá so với tháng 1. 

Tính chung 2 tháng đầu năm xuất khẩu hạt tiêu đạt 30 ngàn tấn, trị giá 116 triệu USD, tăng 36,5% về lượng nhưng giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Với lợi thế là nước xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới và đã có mặt tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, hồ tiêu Việt Nam đã nắm trong tay cái quyền "làm chủ" cuộc chơi trên thị trường. 

Điều này được thể hiện suốt gần 1 thập niên qua, nếu vượt qua khó khăn này hồ tiêu Việt Nam sẽ tiếp tục cầm trịch cuộc chơi.

Từ năm 2006 đến 2016, giá tiêu xuất khẩu năm sau cao luôn hơn năm trước, lợi nhuận từ trồng cây tiêu cao hơn nhiều so với các cây công nghiệp khác. 

Năm 2014, hồ tiêu lần đầu lọt vào nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với kim ngạch 1,2 tỷ USD. Trong quý 1/2015, giá tiêu xuất khẩu tăng gần 35% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, giá tiêu liên tục giảm, đặc biệt là từ tháng 10/2016 đến nay.

Theo "vua tiêu" Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, giá tiêu hiện chỉ còn 58.000 đ/kg nhưng cũng rất ế ẩm. Khi giá tiêu đang ở mức cao người nông dân đầu tư mạnh cho vườn tiêu để tăng năng suất, nhưng nay giá tiêu thấp không có lãi nên bà con ít đầu tư. 

Trước tình hình này, đối với những vườn tiêu già cỗi bà con muốn chặt bỏ để chuyển đổi cây trồng khác, vì nếu cứ bám vào cây tiêu e bị lỗ. Đối với các vườn tiêu đẹp, chủ lực năng suất tốt bà con vẫn duy trì. 

"Nhiều người cho rằng phải qua năm 2020 giá tiêu mới có thể tăng trở lại, nên có một số hộ khó khăn muốn chuyển qua trồng cây điều nhưng chưa định hướng rõ ràng, vì trong 4 năm qua thời tiết ở đây xem ra không phù hợp với cây điều nữa nên bà con đang tìm hướng trồng cây khác", ông Thắng cho biết.

Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do việc phát triển diện tích cây tiêu trong những năm qua vượt quá tầm kiểm soát dẫn đến tình trạng bùng phát dịch hại, chất lượng không ổn định và khủng hoảng về lượng tồn dư. 

Hiện diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 152.668 ha, vượt quy hoạch định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến năm 2030 hơn 300%. Không chỉ tại Việt Nam, gia tăng diện tích hồ tiêu thế giới, đặc biệt là Brazil, Campuchia và Trung Quốc cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, tăng nóng diện tích khiến khối lượng tiêu cung vượt cầu, và xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam phần lớn ở dạng thô, chưa đa dạng hóa sản phẩm dẫn đến giá trị gia tăng thấp, tính cạnh tranh chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu, điều kiện bảo quản và chế biến sâu chưa được đầu tư nhiều. 

Đồng thời, thông tin về kỹ thuật sản xuất và thị trường đến nông dân còn hạn chế, đặc biệt là ý thức của bà con chưa cao, hiện tượng thương lái thao túng thị trường vẫn đang xảy ra.

Bộ đã đề ra một số giải pháp, như: yêu cầu UBND các tỉnh trồng tiêu và Hiệp hội Hồ tiêu rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, phát triển hồ tiêu của địa phương từ đó đề xuất những điều chỉnh cần thiết. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, có biện pháp hạn chế tối đa việc phát triển hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch. Hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu an toàn bền vững, hiệu quả.

Tập trung kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu hồ tiêu. 

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đa dạng hóa sản phẩm có chất lượng cao như tinh dầu tiêu, tiêu trắng làm từ tiêu đen, tiêu đỏ, các loại gia vị từ tiêu hoặc chế biến tiêu bột. 

Tăng cường công tác dự báo thị trường, tìm đầu ra, tăng cường đàm phán để gỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật, đánh giá và gửi các thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu...