Nguồn tiền lớn đã đi đâu?
Một nguồn tiền lớn không còn thể hiện rõ trong các dòng chảy quanh lãi suất và tỷ giá nữa
Như VnEconomy đề cập ở một bài viết gần đây, tháng 7 này là cao điểm nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng được thả ra, theo cân đối đáo hạn của tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Nhưng hai tuần gần đây, những dòng chảy liên quan có những biểu hiện hoàn toàn mới của "sự vắng mặt" dòng tiền lớn.
Một tính toán cơ bản cho thấy, cân đối số dư lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (phát hành để hút bớt tiền về) lưu hành đầu tháng 6/2018 ở mức cao, quanh 150.000 tỷ đồng, nhưng đến đầu tuần này chỉ còn hơn 59.000 tỷ. Theo đó, một lượng vốn lớn ở kênh này đã đáo hạn.
Tuy nhiên, trong tuần qua đến đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã không còn chào thầu tín phiếu để hút bớt tiền về. Thậm chí sau một thời gian dài thị trường mới đón nhận những phiên đầu tiên nhà điều hành mở rộng chào thầu trên kênh cầm cố để hỗ trợ thanh khoản, và đáng chú ý là lượng chào vốn tăng lên đều được các tổ chức tín dụng hấp thụ hết với lãi suất 4,75%/năm.
Cũng trong hai tuần gần đây, biểu hiện khan vốn xuất hiện, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng rất nhanh và rất mạnh: lãi suất qua đêm từ dưới 1%/năm nhanh chóng vượt 2%/năm, vượt 3%/năm, vượt 4%/năm và cập nhật gần nhất mức bình quân tính đến phiên 24/7 đã lên tới 4,69%/năm.
Lãi suất VND liên ngân hàng tăng gấp gáp và đột biến như trên, dù hiện không tác động tiêu cực đến lãi suất trên thị trường giao dịch với dân cư và doanh nghiệp, nhưng diễn ra song song với "sự vắng mặt" của dòng tiền lớn trong cân đối lượng tín phiếu và hiện tượng mở rộng cấp vốn qua kênh cấp vốn nói trên.
Xen vào những chuyển động trên, bình ổn tỷ giá USD/VND vừa qua, một số tổ chức tập hợp các con số khác nhau, nhưng cùng tính toán Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 1,9-2 tỷ USD. Theo đó, khoảng 45.000 tỷ đồng đã được hút về.
Nhưng quy mô hút về qua bán ngoại tệ như vậy, cân đối với lượng tín phiếu đáo hạn quy mô lớn trong tháng 7 trong tính toán trên, một nguồn lớn vẫn đang hụt đi đâu đó.
Hiện chưa có báo cáo thống kê các dữ liệu kết thúc tháng 7/2018, để có thể cân đối với các dòng chảy tín dụng, giải ngân đầu tư công. Theo đó, câu hỏi dòng tiền lớn đã đi đâu vẫn đang để ngỏ.
Từ đầu năm đến nay, dòng tiền trong hệ thống ngân hàng, tạm trú ở Ngân hàng Nhà nước (qua các kênh điều tiết) và dòng chảy ngân sách có mối quan hệ mật thiết, tương tác lớn.
Như tại diễn đàn Quốc hội tháng 6 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại thời điểm đó vừa có 150.000 tỷ tiền ngân sách điều chuyển về để ở Ngân hàng Nhà nước. Ví dụ này cho thấy một sự dịch chuyển, thay đổi trạng thái của nguồn tiền lớn đều phản ánh nhất định trên thị trường, biểu hiện ở các chuyển động của lãi suất, tỷ giá…
Trong mối quan hệ trên, có thể tìm hiểu ở trạng thái tiền gửi của các ngân hàng thương mại nhà nước lớn, với trọng số tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước.
Theo hướng đó, báo cáo tài chính của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố cho thấy, đến cuối quý 2 vừa qua, một lượng lớn tiền gửi Kho bạc Nhà nước đã "vắng mặt". Cụ thể, cuối quý 1/2018, Vietcombank còn có số dư gần 127.000 tỷ đồng tiền gửi loại này, nhưng đến cuối quý 2/2018 số dư tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước chỉ còn 67,5 nghìn tỷ đồng, giảm đi phân nửa.
Dự kiến cuối tuần này, lần lượt Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng Công thương (VietinBank) sẽ công bố báo cáo tài chính quý 2/2018. Cùng với Vietcombank (trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank không có thói quen công bố báo cáo tài chính như bình thường), BIDV và VietinBank là những đầu mối tập trung tiền gửi của ngân sách.
Nếu tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại BIDV và VietinBank cùng kỳ cũng giảm như tại Vietcombank, thì một phần câu trả lời cho tiền lớn đã đi đâu sẽ định hình thêm hướng trả lời, bên cạnh các dữ liệu thống kê vĩ mô cập nhật đến tháng 7.
Tuy nhiên, một cấu phần khác là tiền gửi ngân sách để tại Ngân hàng Nhà nước, biến động như thế nào, thường không được công bố mang tính định kỳ và cụ thể.