17:01 08/07/2019

Nhà đầu tư BOT phản đối tăng chi phí thu phí tự động không dừng

KIỀU LINH

Bốn nhà đầu tư BOT bày tỏ bức xúc với những quy định mà họ cho là không công bằng với nhà đầu tư BOT

Cuộc họp giữa các nhà đầu tư BOT và Bộ Giao thông Vận tải diễn ra tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam sáng 8/7.
Cuộc họp giữa các nhà đầu tư BOT và Bộ Giao thông Vận tải diễn ra tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam sáng 8/7.

Tại cuộc họp giữa các nhà đầu tư BOT và Bộ Giao thông Vận tải diễn ra tại trụ sở Tổng cục Đường bộ Việt Nam sáng 8/7, các doanh nghiệp dự án khẳng định đồng tình với chủ trương của Chính phủ, của Bộ Giao thông Vận tải về triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, họ rất bức xúc với những quy định mà họ cho là không công bằng với nhà đầu tư BOT.

Không đồng tình vì chi phí dịch vụ quá cao

Đại diện Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT cho rằng vướng mắc thứ nhất là trong dự thảo đưa ra, liên quan đến tỷ lệ %, chi phí giám sát, đặc biệt là việc yêu cầu doanh nghiệp dự án phải bàn giao trạm thu phí cho đơn vị triển khai thu phí tự động không dừng.

Bản thân doanh nghiệp không bao giờ phản đối chủ trương triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng. Thực tế, doanh nghiệp đã và đang làm. 

"Tuy nhiên, cảm giác là Tổng cục Đường bộ đang đi đàm phán thay cho VETC. Chúng tôi đã ký hợp đồng rồi. Chúng tôi không cản trở chính sách, chúng tôi đã lắp đặt rồi. Chúng tôi đồng tình với chính sách nhưng không đồng tình cách triển khai. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể trao đổi với chúng tôi trước khi đưa ra công văn dừng thu phí.

Hôm nay, nhiều nhà xe đến trạm và bảo trạm thu phí của chúng tôi có vấn đề, đòi lại tiền đã đóng hàng tháng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trạm thu phí. Do vậy, Tổng cục không đồng hành với nhà đầu tư", vị đại diện phản ánh.

Đại diện Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai khẳng định doanh nghiệp tuân thủ các quy định của nhà nước. Và thực tế từ ngày 15/7/2017 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và đang vận hành 100% các làn đều lắp thu phí tự động không dừng. Đây là dự án đầu tiên trên quốc lộ 14, đã triển khai tất cả 4 làn thu phí không dừng.

"Nhưng giờ bảo chúng tôi phải ký phụ lục hợp đồng với tỷ lệ phần trăm doanh thu cao là không hợp lý. Các trạm thu phí BOT hiện nay chưa đủ trả lãi. Chúng tôi sẽ đồng hành với nhà nước nhưng phải làm đúng, giải thích rõ chứ không phải nói ngày 10/7 đóng không cho thu phí nữa, gây bất lợi với nhà đầu tư", đại diện Đức Long Gia Lai nói.

Đại diện Trạm BOT Cam Thịnh cũng khẳng định doanh nghiệp đã ký hợp đồng triển khai lắp đặt thu phí không dừng với VETC cũng như ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải vào đầu năm 2018. Tuy nhiên vừa rồi Tổng cục Đường bộ lại có thông báo tạm dừng thu phí, doanh nghiệp không hiểu còn phải lý phụ lục hợp đồng nào, vì đã ký với VETC và đang vận hành. 

"Cơ quan quản lý đưa ra lý do buộc dừng thu phí là chưa ký hợp đồng làm các nhà đầu tư hoang mang. Việc ký bổ sung phụ lục hợp đồng về chi phí quản lý thu là phạm trù khác, phải tách bạch chi phí quản lý và chi phí đầu tư, phải liên quan đến thời gian hoàn vốn xem có tương xứng không", vị này cho biết và nói thêm rằng doanh nghiệp thấy không ổn và đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải làm rõ vấn đề này.

"Chúng tôi đang vận hành thu phí không dừng suôn sẻ. Còn phí quản lý chúng tôi đang đàm phán chứ không phải không ký. Nếu thu hồi trạm chúng tôi cũng vui vẻ bàn giao. Mong rằng xem xét lại công văn của tổng cục đường bộ", đại diện BOT Cam Thịnh nói.

Còn đại diện BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp khẳng định: "Chúng tôi là nhà đầu tư, nếu buộc chúng tôi phải ký phụ lục hợp đồng chúng tôi không bao giờ ký vì không được bàn bạc. Bộ Giao thông hay Tổng cục Đường bộ là cơ quan quản lý nhà nước, không thể mệnh lệnh hành chính hoá".

Thứ trưởng sẽ trực tiếp đàm phán với nhà đầu tư

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Tổng cục Đường bộ xem lại quyết định dừng thu phí ở một số nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư VETC vì sẽ ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư.

Đối với thắc mắc của doanh nghiệp phải bàn giao trạm cho VETC, Thứ trưởng Thọ khẳng định không phải bàn giao mà nhà đầu tư vẫn quản lý, vận hành. "VETC chỉ được trích % trên doanh thu của trạm để hoàn trả một phần theo phương án tài chính của VETC và tỷ lệ % gồm dự toán chi phí vận hành và hoàn trả ngân hàng chứ không phải trích bao nhiêu thì trích", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định và cho biết, VETC là một kênh thu phí và các nhà đầu tư BOT phải sử dụng.

Thứ trưởng cũng cho biết, trước mắt, Tổng cục đường bộ không đàm phán nữa mà Thứ trưởng sẽ trực tiếp đàm phán với nhà đầu tư ký hợp đồng, cái nào được giao tổng cục làm.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ sẽ tiếp tục có buổi làm việc riêng với 4 doanh nghiệp dự án nêu trên, để đàm phán tiếp về những vấn đề liên quan đến thu phí không dừng. 

Trước đó, như VnEconomy đưa tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ 2, 3, 4 phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp dự án của 4 dự án BOT trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 tổ chức tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ kể từ 18h ngày 10/7.

Các trạm thu phí bị tạm dừng thu phí gồm: Trạm thu phí Km2079 + 535 QL1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); Trạm thu phí Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Trạm thu phí Cam Thịnh - Km1517+ 647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 - Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh).

Hai trạm thu phí tại Km1610+800 và Km1667+470 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Tp.Pleiku đến Cầu 110 (Công ty Cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai) cũng bị yêu cầu tạm dừng thu phí.

Trong thông cáo phát đi chiều 8/7, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện Bộ đang tiếp tục đàm phán với 4 nhà đầu tư nêu trên, đảm bảo tiến độ ký Phụ lục hợp đồng trước ngày 10/7/2019 nhằm hoàn thành lắp đặt 44 trạm thu phí trong năm 2019 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.