Nhà đầu tư đang đợi Luật Đặc khu
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đang được xây dựng, lấy ý kiến vào đúng thời điểm Việt Nam tròn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Dự Luật Đặc khu được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi trong cách thức thu hút FDI, hướng dòng vốn FDI chất lượng đổ vào Việt Nam. Ông Hoàng Đình Phi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong - một trong 3 mô hình thí điểm đặc khu, chi sẻ quan điểm để hiểu rõ hơn về mô hình này.
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) là bộ luật được nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây. Theo ông, một luật áp dụng cho 3 khu có thực sự phù hợp và khả thi không khi cùng lúc cả Bắc Vân Phong, Vân Đồn và Phú Quốc đều xây dựng 3 đề án riêng về hình thành đặc khu?
Luật Đặc khu là luật khung được áp dụng chung cho cả ba khu. Ba khu này chỉ khác nhau ở lĩnh vực, ngành nghề theo phụ lục đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Theo đó, mỗi khu sẽ có từng phụ lục riêng để tránh chồng lấn, cạnh tranh lẫn nhau. Đầu tư vào những ngành nghề khác biệt đó sẽ được hưởng chính sách ưu đãi khác biệt, không có vấn đề gì phức tạp.
Còn những chính sách đầu tư chung như thuế, quy định về đầu tư, di chuyển thể nhân, chính sách bầu trời mở, tiền lương, thu nhập... của ba khu đều giống nhau.
Mặc dù, đề xuất Bắc Vân Phong trở thành đặc khu được đưa ra từ khá sớm. Nhưng có vẻ Bắc Vân Phong chậm trễ hơn so với hai khu còn lại, thưa ông?
Ý tưởng thành lập đặc khu Bắc Vân Phong bắt đầu manh nha từ năm 2012 khi nhà đầu tư đến từ châu Âu, Trung Đông sang Việt Nam lựa chọn khảo sát và đặt vấn đề đầu tư. Kể từ đó, Bắc Vân Phong bắt tay vào nghiên cứu mô hình này.
Nếu so sánh với mô hình mà tỉnh đề xuất bây giờ thì mô hình trước kia có hơi khác. Nó xuất phát từ đề xuất của nhà đầu tư ngoại trong việc xây dựng Bắc Vân Phong trở thành trung tâm tài chính quốc tế, cảng biển quốc tế.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỉnh đã hoàn thiện dần và trở thành mô hình đề xuất như hiện nay.
Tỉnh đã đề xuất với Trung ương cho phép lập kế hoạch về kinh tế - xã hội và quy hoạch chung về xây dựng. Tỉnh đang triển khai lựa chọn tư vấn quốc tế với mong muốn biến toàn bộ khu vực nghiên cứu hướng theo mô hình tiên tiến nhất thế giới, có khả năng cạnh tranh với quốc tế mà không tạo ra sự cạnh tranh giữa 3 đặc khu.
Từ năm 2012, với mong muốn hình thành đặc khu Bắc Vân Phong nên tỉnh không chủ trương kêu gọi đầu tư vào khu vực. Một số nhà đầu tư chiến lược đã đặt vấn đề nhưng tỉnh vẫn chưa chấp thuận vì vẫn phải chờ luật ra đời.
Những vấn đề pháp lý rõ ràng thì quá trình phân vai trong nghiên cứu, triển khai... mới cụ thể được. Nhà đầu tư vẫn đang trong tâm thế chờ luật vì vậy khi luật được xây dựng xong, nhà đầu tư chắc chắn sẽ vào đây.
Như ông chia sẻ, trước đây nhà đầu tư quan tâm Bắc Vân Phong tới cảng biển, logistics, tài chính... Giờ họ còn ý định này nữa không khi hiện nay, nổi lên xu hướng một số nhà đầu tư quan tâm tới bất động sản, du lịch... thưa ông?
Hiện nay, thị trường vận tải biển, cảng biển đang trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới.
Do đó, rất khó trả lời về tiềm năng của những dự án khủng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế.
Nhưng về dài hạn, Bắc Vân Phong vẫn là nơi hút vốn khi thị trường vận tải biển tăng trưởng.
Về vị trí địa lý, đặc điểm đối với Vân Phong, là tiếp cận với tất cả tuyến hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây. Bên cạnh đấy, sau này có kênh đào Kra của Thái Lan thì tuyến hải hành chắc chắn qua kênh này sẽ ngắn hơn qua kênh đào Malacca... Khi đó, các hãng vận tải biển quốc tế sẽ tính toán lại đầu tư.
So với Vân Đồn và Phú Quốc, Bắc Vân Phong có điều kiện tự nhiên tốt hơn để xây dựng thành cảng trung chuyển. Ông nghĩ sao khi Bắc Vân Phong xây dựng mô hình đặc khu theo mô hình quản lý cảng?
Trong quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, sẽ khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên từng khu vực, trên cơ sở đó xác định định hướng ngành nghề đối với 3 đặc khu. Trong đó, ngoài ngành nghề chung như đô thị, du lịch, casino sẽ hình thành những ngành nghề riêng.
Bắc Vân Phong thì tập trung vào cảng trung chuyển quốc tế, logistics; tài chính; du lịch và dịch vụ; công nghệ cao; y tế - giáo dục công nghệ cao liên quan tới công nghệ vật liệu mới, hải dương...
Đối với lĩnh vực cảng biển, do tình hình khủng hoảng toàn cầu, kinh doanh vận tải biển hiện khó khăn nhưng về lâu dài, chắc chắn logistics sẽ khôi phục.
Do đó, Vân Phong triển khai cảng tổng hợp làm tiền đề phục vụ hoạt động cảng cho đặc khu, cảng này đang xây dựng. Thứ nữa, là trong định hướng của đề án, mô hình đặc khu của Bắc Vân Phong đã đưa vào những quy định của Luật Hàng hải.
Theo đó sẽ giao quyền tự chủ, tổng hợp các thủ tục hành chính của nhiều cơ quan cho chính quyền cảng biển thực hiện và trên cơ sở đó họ quyết định tới việc quyết định kinh doanh của mình.
Với định hướng chung như vậy, khi luật hình thành, tỉnh sẽ nghiên cứu sâu đối với mô hình cảng biển.
Những dự án đã dừng từ 2012 cho tới nay khi quay lại có gặp khó khăn không, chẳng hạn như vấn đề giải phóng mặt bằng?
Giải phóng mặt bằng là khó khăn không chỉ của riêng địa phương mà còn là khó khăn chung của cả Vân Đồn, Phú Quốc cũng như khu vực ngoài đặc khu. Chúng ta phải quản lý về quy hoạch, đầu tư và đất đai để đảm bảo những dự án trong quy hoạch hình thành, sẽ không bị ảnh hưởng.
Đối với Vân Phong, vùng đất này hoang sơ, hầu như công trình khu vực này là sản xuất nông nghiệp và hải sản nên xử lý giải phóng mặt bằng cho dự án sẽ dễ dàng hơn.
Vấn đề đặt ra đối với Vân Phong là muốn khu vực này được nghiên cứu mới chứ không phải trên nền là Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030.
Có thể cần một bản quy hoạch mới để quy hoạch lại toàn bộ các quy hoạch trước đây dựa trên sự tham vấn ý kiến nhà đầu tư quốc tế.
Trong giai đoạn quy hoạch, các nhà quy hoạch tổ chức hội thảo quốc tế để lắng nghe, nắm bắt nhu cầu quốc tế để có đề xuất chínhh sách cụ thể, phân khu cụ thể thích hợp hơn. Ta phải bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mà ta có.
Như ông chia sẻ, có nghĩa là Bắc Vân Phong đang cần một diện tích lớn hơn để phát triển thành một đặc khu?
Trước đây, Bắc Vân Phong được xác định là khu biệt lập nên phạm vi, diện tích ít hơn. Sau quá trình nghiên cứu, tỉnh nhận thấy cần một không gian để hình thành một đặc khu lâu dài nên quyết định lấy toàn bộ ranh giới là một đơn vị hành chính của một huyện. Cái này phù hợp với cấu trúc lại bộ máy chính quyền, tổ chức hoạt động đặc khu.
Nhưng khác so với 2 đặc khu kia, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật được xây dựng tương đối nhiều trong khi Bắc Vân Phong vẫn giữ nguyên hiện trạng. Do đó, đầu tư hạ tầng cho Bắc Vân Phong sẽ cần một khoản ngân sách rất lớn.
Tỉnh đã đề xuất cơ chế về mặt tài chính để có thể xử lý nguồn vốn cho đầu tư.
Thứ nhất, đề xuất để lại toàn bộ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn toàn bộ khu kinh tế từ nay đến năm 2030 để đầu tư và sau 2030 sẽ xem xét lại tỷ lệ phân chia ngân sách Trung ương và địa phương.
Thứ hai, đề xuất giữ lại toàn bộ nguồn thu xuất nhập khẩu và thu nội địa trên địa bàn của đặc khu từ nay đến 2030 và sau 2030 sẽ điều tiết lại tỷ trọng.
Thứ ba, là điều tiết 50% trên phần thu ngân sách của Trung ương để lại cho đặc khu để xây dựng hạ tầng; bên cạnh đó cũng nghiên cứu chính sách áp dụng BOT, BT, PPP trong xây dựng hạ tầng.
Hiện nay, điều kiện khu kinh tế cơ bản là hạ tầng khung quốc gia vì có trục Quốc lộ 1, đường sắt chạy dọc, cảng biển quốc tế nằm trong địa bàn và có sân bay.
Vậy theo ông dự liệu phải bỏ bao nhiêu tiền để hoàn thiện hạ tầng cho khu này? Và nhà đầu tư sẽ tham gia đầu tư dự kiến bao nhiêu phần trong con số ước tính đó?
Chưa phải là số liệu chính thức, nhưng khả năng là cần khoảng 400 nghìn tỷ đồng để hình thành đô thị hiện đại này đến 2050.
Để hình thành đặc khu nên từ năm 2012 tỉnh có quan điểm tạm dừng để chờ khung thể chế chính thức được ban hành.
Cho tới giờ mình vẫn chưa đặt lại vấn đề với họ. Tinh thần là cứ phải chờ xong luật mới làm vì phải minh bạch, rõ ràng mới "nói chuyện" được với nhà đầu tư nước ngoài.