08:26 20/02/2019

Nhà đầu tư thận trọng, giá dầu chững ở đỉnh 3 tháng

Diệp Vũ

Giới đầu tư thận trọng bởi đàm phán thương mại Mỹ-Trung, nhưng giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin cho thấy xuất khẩu dầu của Saudi Arabia giảm

Giá dầu thế giới giằng co trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, với giá dầu Brent đi xuống sau 5 phiên tăng, trong khi giá dầu WTI đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Phiên này, giới đầu tư thận trọng bởi đàm phán thương mại Mỹ-Trung, nhưng giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin cho thấy xuất khẩu dầu của Saudi Arabia giảm.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 3 tại New York tăng 0,5 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 56,09 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 19/11.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 0,07 USD/thùng, chốt ở 66,45 USD/thùng, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tục trước đó.

Tuần trước, giá dầu WTI tăng 5,4% còn giá dầu Brent tăng 6,7%, chủ yếu nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga.

Ở thời điểm hiện tại, việc OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia, giảm sản lượng vẫn là nhân tố hỗ trợ quan trọng nhất đối với giá dầu.

"Saudi Arabia đang giảm sản lượng nhiều hơn dự báo để bù lại sự thiếu tuân thủ thỏa thuận hạ sản lượng của những nước như Iraq", một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận xét.

Ngoài ra, xuất khẩu dầu của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng đang giảm. Lượng dầu xuất khẩu của nước này trong nửa đầu tháng 2 giảm còn 6,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1,3 triệu thùng/ngày so với tháng 1 - dữ liệu từ công ty theo dõi tàu biển Kpler cho hay.

Giá dầu còn đang được hỗ trợ bởi hy vọng Mỹ-Trung có thể đạt một thỏa thuận thương mại. Các quan chức hai nước ngày 19/2 đã khởi động vòng đàm phán ở Washington. Tuy nhiên, khả năng hai bên đi đến được một thỏa thuận trước ngày 1/3 còn chưa có gì chắc chắn.

Giá dầu vẫn đang chịu sức ép giảm từ nguồn cung dầu tăng mạnh của Mỹ. Báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố hôm thứ Ba cho thấy sản lượng của 7 mỏ dầu đá phiến lớn nhất nước này tăng thêm 84.000 thùng/ngày trong tháng 3, đạt 8,398 triệu thùng/ngày.

"Tôi cho rằng thị trường vẫn đang tìm một lý do để xác định hướng đi rõ ràng hơn, nhưng vẫn đang có nhiều câu hỏi về vấn đề thương mại Mỹ-Trung và nền kinh tế toàn cầu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét với hãng tin Reuters.

Trong một dấu hiệu đáng ngại về sức khỏe kinh tế thế giới, ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC ngày 19/2 cảnh báo có thể trì hoãn một số kế hoạch đầu từ trong 2019 do dự báo tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc và Anh. Lợi nhuận 2018 của HSBC cũng không đạt dự báo.

Tuần trước, OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới năm nay về mức 1,24 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng mức tăng trưởng thậm chí sẽ còn yếu hơn.