15:05 29/08/2019

Nhà giàu giảm tiêu tiền, nguy cơ của kinh tế Mỹ

Kiều Oanh

Giới nhà giàu ở Mỹ đang cắt giảm chi tiêu, đặt ra một nguy cơ không hề nhỏ cho nền kinh tế

Một siêu xe Lamborghini Aventador tại một triển lãm ở Detroit tháng 1/2019 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Một siêu xe Lamborghini Aventador tại một triển lãm ở Detroit tháng 1/2019 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Nhà giàu Mỹ đang cắt giảm chi tiêu vào mọi thứ, từ nhà cửa cho tới trang sức, đặt ra một nguy cơ không hề nhỏ đối với Mỹ giữa lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái vì thương chiến với Trung Quốc.

Theo hãng tin CNBC, phần yếu nhất của tháp kinh tế Mỹ hiện nay chính là phần đỉnh tháp, khi giới giàu thắt chặt hầu bao với các mặt hàng vốn gắn liền với họ - từ bất động sản, hàng hóa xa xỉ, xe hơi cổ, cho tới tác phẩm nghệ thuật.

Trong khi tầng lớp trung lưu và người tiêu dùng Mỹ nói chung vẫn tiếp tục chi tiêu, giới chuyên gia kinh tế cho rằng sự "thắt lưng buộc bụng" đột ngột của tầng lớp giàu rất có khả năng sẽ ảnh hưởng lan rộng đến phần còn lại của nền kinh tế và đặt ra trở ngại đối với tăng trưởng.

Hàng phục vụ nhà giàu bỗng ế ẩm

Thị trường bất động sản cao cấp ở Mỹ đang trải qua năm ảm đạm nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Những trung tâm đắt đỏ như quận Manhattan của New York đã chứng kiến doanh số bán nhà giảm 6 quý liên tiếp. Theo dữ liệu của Redfin, doanh số của những căn nhà có giá từ 1,5 triệu USD trở lên ở Mỹ trong quý 2 năm nay giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dinh thự và nhà penthouse đang trong tình trạng ế ẩm trên toàn nước Mỹ, đặc biệt là ở những thị trấn nghỉ dưỡng sang trọng. Ở khu nhà giàu Aspen của bang Colorado và Hamptons của New York, số bất động sản xa xỉ đang rao bán lớn gấp hơn 3 lần doanh số hàng năm.

Nhưng tệ hơn cả là lĩnh vực bán lẻ phục vụ tầng lớp giàu. Nhà bán lẻ hàng cao cấp Barneys đầu tháng 8 này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Một hãng tương tự là Nordstrom thì đã chứng kiến doanh thu giảm 3 quý liên tiếp. Trái lại, hai hãng bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày là Walmart và Target đều đạt lượng khách và tăng trưởng doanh thu mạnh hơn kỳ vọng.

Tại cuộc đấu giá xe hơi mới đây ở triển lãm xe Pebble Beach, sự kiện hàng năm được biết đến với những chiếc xe được bán với giá kỷ lục, loạt xe hơi được đánh giá là đắt nhất đã không thể đấu giá thành công. Chưa đầy một nửa số xe có giá từ 1 triệu USD trở lên có người mua. Tuy nhiên, những chiếc xe có giá dưới 75.000 USD bán rất nhanh và bán được nhiều hơn so với dự báo.

Trong nửa đầu 2019, doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật tại Mỹ lần đầu tiên giảm trong nhiều năm. Doanh số của nhà đấu giá Sotheby’s giảm 10%, doanh số của nhà đấu giá Christie’s giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tất cả những dữ liệu này đều phản ánh một điều: giới nhà giàu Mỹ đã bắt đầu hạn chế mở ví. Nếu tầng lớp này tiếp tục hạn chế chi tiêu nhiều hơn, nền kinh tế Mỹ sẽ cảm nhận rõ ảnh hưởng.

Theo số liệu mà chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics đưa ra, nhóm 10% người có thu nhập cao nhất ở Mỹ chiếm gần một nửa tiêu dùng ở nước này. Tuy nhiên, chi tiêu của nhóm này đã giảm trong 2 năm qua, trái ngược với xu hướng chi tiêu nhiều hơn của tầng lớp trung lưu.

Giới giàu Mỹ đang bất an

"Nếu người tiêu dùng thu nhập cao tiếp tục giảm chi tiêu, thì đó sẽ là một nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ", ông Zandi nói.

Tiêu dùng ít đi đồng nghĩa với lượng tiền tiết kiệm của giới giàu tăng lên. Trong hai năm qua, tiết kiệm của tầng lớp giàu ở Mỹ tăng hơn gấp đôi, cho thấy họ đang tích trữ tiền mặt.

Tầng lớp thu nhập trung bình, những người nằm trong khoảng 40% đến 89,9% của tháp thu nhập, đã bù đắp lại cho sự cắt giảm chi tiêu của giới giàu. "Nếu tăng trưởng việc làm chững lại, thất nghiệp tăng lên, thì người thu nhập trung bình sẽ phải giảm chi tiêu, đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy giảm", ông Zandi phát biểu.

Theo giới chuyên gia, có hai lý do chính khiến nhà giàu Mỹ không còn chi tiêu hào phóng như trước: thị trường biến động và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Nhóm 10% giàu nhất ở Mỹ nắm 80% thị trường chứng khoán nước này, nên họ có mức độ nhạy cảm cao hơn với những biến động gần đây trên thị trường tài chính.

Ngoài ra, nhiều người giàu Mỹ sở hữu các công ty kinh doanh ở nước ngoài hoặc có sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Bởi vậy, họ trở thành một hệ thống cảnh báo sớm về những "cơn bão" kinh tế đang hình thành trên thế giới.

Ngược lại, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ đang hưởng lợi từ thị trường việc làm tăng trưởng tốt và thị trường bất động sản tương đối ổn định.

Trong hơn 1 thập kỷ qua, giới giàu là những người gặt hái nhiều nhất thành quả kinh tế ở Mỹ và giữ vai trò đầu tàu chi tiêu. Nhưng giờ đây, tình thế đã đảo ngược. Những người trung lưu đang ăn nên làm ra và chi tiêu mạnh hơn, còn giới giàu đang phát đi tín hiệu về sự suy thoái tiêu dùng.

Tất nhiên, người giàu ở Mỹ vẫn có nhiều tiền để chi tiêu, nhưng với điều kiện họ phải có được sự tin tưởng và chắc chắn. Ở hiện tại, họ không tìm thấy điều đó trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng và thị trường tài chính đầy rẫy biến động.