22:44 07/08/2019

Nhà khách bộ, ngành trung ương tại Thanh Hóa: Hoạt động cầm chừng, lãng phí

Lan Ca

"Theo phản ánh, một số cơ sở còn "núp bóng" đón khách nội bộ để kinh doanh phục vụ khách du lịch nhưng không chấp hành các quy định"

Khách sạn Bộ Công Thương tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Khách sạn Bộ Công Thương tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương đang sở hữu những nhà khách, nhà nghỉ, trung tâm nghỉ dưỡng ở những vị trí đắc địa tại tỉnh Thanh Hóa nhưng lại sử dụng không hiệu quả, lãng phí, gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng du lịch tại tỉnh này.

Nội dung phản ánh trên được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đề nghị báo cáo tình hình quản lý, sử dụng nhà khách, khách sạn, trung tâm điều dưỡng do các Bộ, ngành, cơ quan ở trung ương quản lý, sử dụng.

Trường hợp Thanh Hóa

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị thanh tra hoạt động của các nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng trực thuộc các bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh này có 25 nhà khách, khách sạn, Trung tâm nghỉ dưỡng thuộc quyền quản lý của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích khoảng 223 nghìn m2.

Theo phản ánh của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp, hầu hết các đơn vị nói trên đều được xây dựng ở vị trí thuận lợi, đắc địa có giá trị thương mại cao tại thành phố Sầm Sơn nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, lãnh đạo, nhân viên, người lao động các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, hệ thống các nhà khách, khách sạn và Trung tâm nghỉ dưỡng qua quá trình phát triển đã bộc lộ những vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng du lịch tại Thanh Hóa. Cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị của các đơn vị đã xuống cấp, không được đầu tư, nâng cấp, cải tạo. Cán bộ quản lý, nhân viên của một số đơn vị còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, khiến hoạt động chậm phát triển, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa còn cho rằng, theo phản ánh, một số cơ sở còn "núp bóng" đón khách nội bộ để kinh doanh phục vụ khách du lịch nhưng không chấp hành các quy định, nghĩa vụ như các cơ sở kinh doanh lưu trú khác trên cùng địa bàn.

Cụ thể như không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thẩm định xếp hạng cơ sở lưu trú, "mập mờ" về giá dịch vụ, sử dụng "môi giới" để lôi kéo khách du lịch, thiếu minh bạch trong hoạt động quản lý, sử dụng nguồn thu, chi, không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… gây ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp du lịch tại Thanh Hóa và bức xúc cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Đề nghị rà soát nhà nghỉ, khách sạn của Bộ, ngành trung ương

Trước những bất cập trên, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương rà soát, thanh tra, kiểm tra đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các khách sạn, nhà khách, trung tâm điều dưỡng đang được quản lý bởi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương tại tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành có khu du lịch trên địa bàn cả nước.

Đồng thời có kế hoạch cổ phần hóa hoặc đấu giá để tăng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kích thích đầu tư trong lĩnh vực du lịch của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đảm bảo đúng các quy định về kinh doanh du lịch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Liên quan tới vấn đề trên, trong văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị này báo cáo thực trạng quản lý, sử dụng nhà, đất là nhà khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, báo cáo danh sách cụ thể mà nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác; rà soát hoạt động của các cơ sở là nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng của các Bộ, ngành trung ương tại Thanh Hóa và các tỉnh thành khác.

Rà soát, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167 ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng thuộc phạm vi quản lý tại tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác. Cụ thể, đối với các nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập (gồm tổ chức bộ máy, tình hình hoạt động, thu chi tài chính, kiến nghị).

Còn theo mô hình doanh nghiệp thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước (và hướng dẫn tại Thông tư số 200/2015 của Bộ Tài chính).

Bộ Tài chính cũng yêu cầu báo cáo về cổ phần hóa đối với khách sạn, nhà khách, trung tâm nghỉ dưỡng của các Bộ, ngành trung ương tại Thanh Hóa và các địa phương khác.