08:14 21/08/2018

Nhân viên đòi nợ thuê sẽ phải mặc đồng phục, đeo thẻ

Duyên Duyên

Nếu doanh nghiệp đòi nợ vi phạm liên quan đến trang phục, thẻ nhân viên, giấy giới thiệu cho nhân viên sẽ bị xử phạt theo quy định

Trước đó, năm 2016, Bộ Tài chính đã đưa quy định nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ.
Trước đó, năm 2016, Bộ Tài chính đã đưa quy định nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ.

Bộ Tài chính vừa tiếp tục đề xuất quy định người lao động của doanh nghiệp đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo đó, tại Điều 9 dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính đề xuất các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp giấy giới thiệu cho người lao động được giao trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Đồng thời, phải cấp thẻ nhân viên cho người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ. Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải tự thiết kế trang phục, trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh (nếu có).

Đáng chú ý, dự thảo của Bộ Tài chính quy định, nhân viên đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Sau khi kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động.

Nếu doanh nghiệp vi phạm liên quan đến trang phục, thẻ nhân viên, giấy giới thiệu cho nhân viên sẽ bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về vi phạm liên quan đến trang phục của hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cung cấp hợp đồng ủy quyền đòi nợ cho khách nợ và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến khoản nợ khi thực hiện đòi nợ.

Thực hiện hoạt động nghiệp vụ trong phạm vi pháp luật cho phép và được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền; không được giao hoặc ủy quyền lại cho cá nhân ngoài doanh nghiệp hoặc tổ chức khác thực hiện các hoạt động đòi nợ, trừ trường hợp tổ chức đó cũng là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và việc ủy quyền lại phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ nợ hoặc khách nợ.

Dự thảo cũng quy định mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2016, Bộ Tài chính đã đưa quy định nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ tại dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên đến năm 2017, sau khi tiếp thu ý kiến của lãnh đạo của Chính phủ và cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cần thiết duy trì các quy định về điều kiện an ninh, trật tự, Bộ Tài chính đã bỏ quy định này.

Tại dự thảo mới nhất vừa được công bố xin ý kiến, cơ quan này lại tiếp tục đưa nội dung mặc đồng phục, đeo thẻ khi đi đòi nợ vào dự thảo.