09:42 04/12/2017

Nhập khẩu 11 tháng có mức tăng gần gấp 2 lần so với xuất khẩu

Nguyễn Huyền

Nhập khẩu rau quả 11 tháng tăng tới 72,3%, mức tăng gấp gần 1,68 lần so với xuất khẩu

Nhờ mở cửa được nhiều thị trường yêu cầu chất lượng cao và tạo được lòng tin với người tiêu dùng trên thế giới nên kim ngạch xuất khẩu rau quả liên tục duy trì ở mức tăng trưởng 2 con số. Song, Việt Nam cũng phải mở cửa cho rau quả nước ngoài vào nội địa. 

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong 11 tháng qua, xuất khẩu rau quả tăng 43,2% thì nhập khẩu (nhập khẩu) cũng tăng đến 72,3%, gấp gần 1,68 lần so với xuất khẩu. Dự báo nhập khẩu rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Cùng với xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu rau quả vào thị trường thế giới, đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa rộng hơn cho rau quả các nước vào thị trường nội địa.

Trong 11 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Top 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Trong 10 tháng qua, các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là: Nhật Bản (67,6%), Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (56,9%), và Trung Quốc (52,7%).

Ngoài những thị trường xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản... rau quả Việt Nam cũng đang tìm đường phát triển sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), bởi các thị trường trong khối EU được đánh giá khá cao về tiềm năng. Hiện EU chiếm gần 4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Nếu xuất khẩu tăng 43,2% thì ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả từ các nước cũng đã tăng đến 72,3% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 1,41 tỷ USD.

Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Thái Lan (chiếm 57,1% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 17,9%) và giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Thái Lan (gấp 2,2 lần), Ấn Độ (gấp hơn 2 lần) và Hàn Quốc (tăng 78,1%).

Tuy chưa nằm trong top đầu các nước xuất khẩu rau quả vào Việt Nam, nhưng từ năm 2015 đến nay, táo Pháp đã có mặt tại Việt Nam đạt khối lượng xuất khẩu từ 3.000 – 4.000 tấn/năm.

Theo Đại sứ quán Pháp, mỗi năm Pháp sản xuất được khoảng 1.475.400 tấn táo thì có đến 41% là xuất khẩu, và trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 tấn táo với khoảng 20 chủng loại được xuất sang Việt Nam. Giá cả cạnh tranh và niềm tin chất lượng là những yếu tố góp phần giúp sản phẩm của Pháp phủ khắp các kênh bán lẻ lớn, như: Big C, Aeon, Lotte Mart, Co.opmart, Satra, Vinmart... 

Pháp cũng đang đặt nhiều kỳ vọng về chỗ đứng vững chắc cho các sản phẩm mới như lê, nho, mận và kiwi tại thị trường Việt Nam. Trong đó, kiwi được xem là một ứng viên sáng giá bởi đây là sản phẩm theo mùa. Sau khi mùa kiwi của New Zealand kết thúc thì cũng là lúc mùa kiwi của Pháp bắt đầu.

"Do điều kiện khí hậu không cho phép Việt Nam trồng các loại sản phẩm ôn đới nên Việt Nam phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu các loại quả như: lê, nho và kiwi... và Pháp đã không bỏ qua lợi thế này. Hiện các doanh nghiệp Pháp đang có kế hoạch xuất khẩu kiwi nổi tiếng nhất của Pháp là loại Hayward (xanh) vào thị trường Việt Nam", đại diện Đại sứ quán Pháp chia sẻ.

Hiện có đến 7,8 triệu tấn rau quả tươi được sản xuất tại Pháp, trong đó, 21% được xuất khẩu đi khắp thế giới với chất lượng và số lượng được đảm bảo ở nhiều cấp, từ chính phủ tới chuyên gia. 

Các quy trình khác được thực hiện để đảm bảo tìm được nguồn gốc xuất xứ, duy trì những yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm, rau củ quả của Pháp đã và đang đẩy mạnh thương mại ở thị trường nội địa lẫn quốc tế, trong đó có thị trường Việt Nam.

Ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết, Pháp sẽ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên xuất khẩu khoai tây vào thị trường Việt Nam. 

Hiện nay Pháp đang hoàn tất thủ tục xuất khẩu lô khoai tây này, và đây cũng là một phần quan trọng của chiến lược thúc đẩy tiêu thụ nông sản chất lượng cao tại Việt Nam. Dự kiến, lô hàng đầu tiên khoảng 3.000 tấn sẽ cập cảng Việt Nam trong quý 1/2018.

"Chúng tôi nghiên cứu tương đối kỹ thị trường và nhận ra nhu cầu tiêu thụ tại đây rất lớn, sản lượng thường xuyên thiếu hụt nhưng lại có không nhiều quốc gia được xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Với hơn 400 chủng loại khoai tây, các doanh nghiệp Pháp tự tin sẽ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", ông Alexandre Bouchot chia sẻ.