Nhiều bộ ngành lo ngại về đề xuất trao quyền điều tra cho ngành thuế
Theo Dự luật, Bộ Tài chính đề xuất trao cho cơ quan thuế chức năng điều tra thuế, thay vì phải chuyển hồ sơ các vụ việc sang cơ quan công an
Bộ Tư pháp yêu cầu làm rõ mối quan hệ bộ phận điều tra thuế với cơ quan điều tra của các Bộ liên quan và cơ quan tư pháp, làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế…
Nhiều bộ ngành lo ngại
Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo mới về Luật Quản lý thuế sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, tổ chức, cá nhân.
Theo Dự luật, Bộ Tài chính đề xuất trao cho cơ quan thuế chức năng điều tra thuế, thay vì phải chuyển hồ sơ các vụ việc sang cơ quan công an như hiện nay.
Cụ thể, theo dự thảo, cơ quan thuế, công chức thuế sẽ được xử lý vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, cán bộ thuế có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm.
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật tổ chức điều tra hình sự.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế mà thực hiện biện pháp áp giải người cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và quy định cụ thể vi phạm pháp luật thuế ở mức độ nào thì được áp dụng biện pháp này.
"Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 732/QĐ-TTg. Theo đó, làm rõ mối quan hệ bộ phận điều tra thuế với cơ quan điều tra của các Bộ liên quan và cơ quan tư pháp trước khi đề nghị bổ sung chính sách vào dự thảo Luật", Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Việc đề nghị giao thẩm quyền cho cơ quan thuế, công chức thuế khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của luật tố tụng hình sự, Bộ Tư pháp cũng cho rằng cần phải có đánh giá tác động về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế và làm rõ phạm vi hoạt động điều tra thuế.
"Trong trường hợp bổ sung thẩm quyền của của cơ quan thuế, công chức thuế trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì chính sách này tác động đến hệ thống pháp luật (đặc biệt là tố tụng hình sự) như thế nào cũng cần được đánh giá cụ thể", Bộ Tư pháp nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra cho cơ quan thuế, công chức thuế vào dự thảo Luật sẽ có tác động tới nguồn nhân lực, tài chính và sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, đơn vị này đề nghị phải có đánh giá tác động cụ thể và chi tiết hơn.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại lo ngại, hiện cơ quan thuế đang chịu trách nhiệm quản lý thu thuế, thanh tra thuế, nếu bổ sung thêm chức năng điều tra thì cùng một lúc vừa phải thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế.
"Việc này sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế", VCCI nêu ý kiến.
Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị không bổ sung chức năng điều tra thuế vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế.
"Trong một số trường hợp thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng điều tra thuế, vì vậy việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập với cơ quan quản lý thuế thực hiện để đảm bảo tính minh bạch và đúng với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý", Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Nếu được trao quyền, "chỉ điều tra liên quan đến thuế"
Giải trình ý kiến của các bộ ngành, Bộ Tài chính nêu ra 4 luận điểm cho thấy sự cần thiết phải trao quyền điều tra cho cơ quan thuế.
Thứ nhất, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều tra của cơ quan thuế thực chất là việc bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. Cụ thể, với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định, kết thúc Điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì sẽ chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra.
"Như vậy, bộ phận điều tra của cơ quan thuế trong tương lai là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong lĩnh vực thuế, có tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn nhỏ hơn cơ quan điều tra của công an nhân dân, quân đội nhân dân, viện kiểm sát nhân dân tối cao", Bộ Tài chính lập luận.
Thứ hai, Bộ Tài chính cho biết, ở Việt Nam, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp.
Thứ ba, việc điều tra thuế phải có nghiệp vụ riêng, vì đặc trưng của thuế có liên quan đến hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán nên người thực hiện điều tra bắt buộc phải có nghiệp vụ thì công việc mới đạt hiệu quả cao.
Thứ tư, điều tra thuế chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, chỉ điều tra khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế có tổ chức, móc nối có hệ thống nhiều tổ chức, cá nhân với nhau; nghĩa là khi thanh tra không đủ sức làm thì điều tra thuế mới vào cuộc.
"Điều tra thuế mang tính chất điều tra hành chính chứ hoàn toàn không nhằm mục tiêu để khởi tố; cơ quan điều tra thuế hoàn toàn không bắt người mà sẽ phối hợp với điều tra hình sự khi cần thiết.
Điều tra thuế sẽ không phủ định các chức năng điều tra khác, nghĩa là vẫn tồn tại các cơ quan điều tra chống buôn lậu, gian lận của hải quan; điều tra hình sự của cơ quan công an, đồng thời, điều tra thuế còn hỗ trợ các cơ quan điều tra này.
Do đó, để thống nhất về mặt chức năng cho cơ quan thuế trong quản lý nhà nước về thuế, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cho phép cơ quan thuế thực hiện chức năng điều tra thuế", Bộ Tài chính nêu quan điểm.