20:42 01/04/2018

Nhiều cơ hội hợp tác với "Vành đai và Con đường"

Doãn Hải Hồng

Nếu Việt Nam tham gia "Vành đai và Con đường" thì sẽ mang lại những cơ hội như thế nào cho thương mại Trung Quốc và Việt Nam?

Theo ông Doãn Hải Hồng, Việt Nam là nước láng giềng gần gũi của Trung Quốc, ý tưởng "Hai hành lang, một vành đai" rất phù hợp với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trong bối cảnh này, điều kiện để triển khai hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam là rất thuận lợi.
Theo ông Doãn Hải Hồng, Việt Nam là nước láng giềng gần gũi của Trung Quốc, ý tưởng "Hai hành lang, một vành đai" rất phù hợp với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trong bối cảnh này, điều kiện để triển khai hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam là rất thuận lợi.

"Trung Quốc mong muốn cùng các bạn Việt Nam chung tay nỗ lực đi đầu trong hợp tác "Vành đai và Con đường". Đây là một trích đoạn trong bài viết vừa được ông Doãn Hải Hồng, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam gửi tới VnEconomy, xung quanh sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả bài viết này, tựa đề do tòa soạn đặt.

Năm ngoái, lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã thực hiện thăm viếng lẫn nhau mang tính lịch sử trong vòng một năm, thúc đẩy quan hệ Trung - Việt bước lên tầm cao mới.

Các chuyến thăm này cũng đưa ra triển vọng hợp tác tốt đẹp cho tương lai, thông qua kết nối sáng kiến "Vành đai và Con đường" với khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" để thúc đẩy nâng cấp hợp tác trên các lĩnh vực như: kết nối, thương mại, tài chính...

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" là nền tảng để Trung Quốc và tất cả các nước trên thế giới đi sâu hợp tác toàn diện và cùng có lợi, là sản phẩm có tính quốc tế mà các bên có thể cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng hưởng lợi.

Khi mà trào lưu "toàn cầu hóa ngược" đang trỗi dậy, sáng kiến "Vành đai và Con đường" với nguyên tắc cởi mở, bao dung, kiên trì việc các bên đều tham dự bình đẳng, hướng về hợp tác cùng có lợi, thể hiện quyết tâm của Trung Quốc với vai trò là một nước lớn, chịu trách nhiệm dẫn dắt kinh tế toàn cầu hóa phát triển theo hướng đúng đắn trong sự diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, phản ánh nguyện vọng của Trung Quốc muốn thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới, xây dựng cộng đồng chung trên cơ sở cùng có lợi.

Đây cũng chính là nội hàm hạt nhân của chính sách ngoại giao Trung Quốc trong thời đại mới.

Một số người có hiểu lầm, thậm chí là đặt ra nghi ngờ đối với hợp tác này, cho rằng sáng kiến "Vành đai và Con đường" là công cụ địa chính trị phục vụ tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có thể xem là một loại tư duy có từ thời chiến tranh lạnh và đã lỗi thời, bởi, "hợp tác cùng có lợi" mới là từ khóa của "Vành đai và Con đường".

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" đưa ra đã gần 5 năm và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, đến nay đã có hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia và hơn 270 văn kiện hợp tác được ký kết. Một số ý tưởng hợp tác đã được hiện thực hóa thành kết quả thiết thực.

Hiện tại, các tuyến đường sắt chở container Trung Quốc - châu Âu đã khởi hành gần 7.000 lượt, đi đến 12 quốc gia châu Âu. Nhiều nước Đông Nam Á cũng tích cực tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối với Trung Quốc, để trong tương lai sẽ thông qua tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu kết nối Đông Nam Á với Trung Á và châu Âu, phối hợp giao thông vận tải, thương mại điện tử, thương mại đầu tư, hợp tác ngành nghề, nhằm kết nối vành đai kinh tế châu Á - Thái Bình Dương với vành đai kinh tế châu Âu, hình thành bố cục mới mà các nước dựa vào nhau chặt chẽ, cùng tồn tại và cùng phát triển.

Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc mà còn mang lại lợi ích cho cả thế giới, hơn nữa còn là cơ hội mới để các nước Đông Nam Á phát triển kinh tế thịnh vượng hơn.

Việt Nam là nước láng giềng gần gũi của Trung Quốc, ý tưởng "Hai hành lang, một vành đai" rất phù hợp với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Trong bối cảnh này, điều kiện để triển khai hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam là rất thuận lợi.

Nếu Việt Nam tham gia "Vành đai và Con đường" thì sẽ mang lại những cơ hội như thế nào cho thương mại Trung Quốc và Việt Nam?

Khi đó, kim ngạch thương mại hai nước mỗi năm sẽ không chỉ dừng lại ở con số 120 tỷ USD mà sẽ còn tăng gấp nhiều lần. Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới Trung-Việt mà hai bên đang bàn bạc cũng sẽ nhận được nhiều ưu tiên, giúp nhân dân tại khu vực biên giới của hai nước có cơ hội giàu lên.

Đồng thời, do Việt Nam đang thúc đẩy thương mại tự do với Liên minh Âu - Á và Liên minh Châu Âu, việc tham gia vào hợp tác "Vành đai và Con đường" cũng sẽ khiến hàng hóa của Việt Nam đến các thị trường Liên minh Âu - Á và châu Âu thuận tiện hơn nữa.

Một ví dụ khác là tuyến tàu du lịch "Vành đai và Con đường" đầu tiên vừa xây dựng xong tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) gần đây, sẽ nối liền Trung Quốc với các thành phố du lịch của các nước Đông Nam Á. Nếu các thành phố du lịch có cảng biển của Việt Nam cũng tham gia, thì sẽ đem lại nhiều động lực mới, giúp phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Năm nay là năm mở đầu thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng. Sự kết nối chiến lược phát triển của hai nước, cũng như hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ lịch sử mới. Trung Quốc mong muốn cùng các bạn Việt Nam chung tay nỗ lực đi đầu trong hợp tác "Vành đai và Con đường", nhằm khai thác tiềm năng phát triển, thu hoạch thành quả to lớn của hợp tác cùng có lợi, thực hiện tốt hơn nữa tiến trình cải cách mở cửa và đổi mới của mỗi nước.