12:14 06/01/2020

"Nhiều đầu tàu công nghiệp chạy chậm lại, Việt Nam cần tạo động lực tăng trưởng mới"

Bạch Huệ

Thập kỷ vừa qua có nhiều dấu ấn đáng nhớ và đáng quên. Bài học đó là tài sản quý để tạo nên một thập kỷ mới sẽ chỉ còn những dấu ấn đáng nhớ...

Các ngành công nghiệp giảm tốc, Việt Nam cần động lực tăng trưởng mới
Các ngành công nghiệp giảm tốc, Việt Nam cần động lực tăng trưởng mới

Báo cáo Vietnam Economic time của Công ty Chứng khoán SSI vừa cập nhật và chỉ ra những tồn tại đằng sau những con số tăng trưởng quý 4 và năm 2019.

Cụ thể, GDP quý 4 tăng 6,97%, thấp hơn quý 3 (7,48%) và 9 tháng đầu năm (7,04%). Sự giảm tốc của quý 4 xuất phát từ nông nghiệp và công nghiệp trong khi xây dựng và dịch vụ đã kéo tăng trưởng chung. Ngành nông nghiệp quý 4 giảm -0,06% và công nghiệp tăng 7,92%, đều là mức thấp nhất nhiều năm. Ở chiều ngược lại, xây dựng tăng 10.32% và dịch vụ tăng 8,09%, lại là mức cao nhất nhiều năm.

"GDP cả năm 2019 tăng 7,02%, dù thấp hơn năm 2018 nhưng là năm thứ 2 liên tiếp đạt trên 7%, ngưỡng không thể đạt được trong 10 năm trước đó. Mặc dù vậy, 7% vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình tăng trưởng trước khi xảy ra khủng hoảng 2008", báo cáo nêu.

Đầu tàu công nghiệp chạy chậm lại

Về ngành công nghiệp, SSI cho biết nhiều "đầu tàu công nghiệp đang chạy chậm lại". Cụ thể, GDP công nghiệp quý 4 chỉ tăng 7,92%, thấp hơn nhiều mức tăng của quý 3 (10,42%) và 9 tháng đầu năm (9,56%). Sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp đến từ cả 3 cấu thành là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện, khí đốt.

Khai thác dầu thô và khí tự nhiên quý 4 giảm 3,6% là nguyên nhân chính kéo giảm ngành khai khoáng. Khai thác dầu ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, các mỏ mới phát hiện đều nhỏ, cận biên, điều kiện vận hành phức tạp, chi phí cao. Khai thác than tăng 8,2% thấp hơn nhiều quý 3 là 20,5%. Khai thác quặng kim loại tăng mạnh 47,2% khi tăng khai thác các mỏ ở Hà Tĩnh, Tây Nguyên và Lào Cai.

Công nghiệp chế biến chế tạo giảm tốc xuống 10,86%, thấp nhất nhiều quý. Sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế giảm 16%. Sang năm 2020, tăng trưởng của ngành cũng sẽ thấp do khó có thể tăng công suất nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn. Sản xuất kim loại tăng 9,3%, chưa bằng 1/3 mức tăng trung bình của 3 quý đầu năm. Tăng trưởng cao của ngành sản xuất kim loại trong nhiều năm qua xuất phát từ dự án Formosa. Khi thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khó khăn, sản lượng của Formosa giảm sút, kéo theo tăng trưởng toàn ngành. 

bao cao 2

Sản xuất sản phẩm điện tử tăng 5.1%, riêng tháng 12 giảm 3.3%, mức thấp nhất 33 tháng. Ngành sản xuất điện tử sẽ chưa thể khả quan khi thị trường xuất khẩu điện thoại đã bão hòa. Nhập khẩu điện thoại và linh kiện liên tục sụt giảm, tháng 12 giảm 14%, là chỉ báo không tích cực cho sản xuất điện thoại và ngành điện tử trong giai đoạn đầu năm 2020.

Sản xuất xe có động cơ tăng 2,8%, riêng tháng 12 hồi phục 11,9% sau 4 tháng gần như không có tăng trưởng. Sự xâm lấn của ôtô nhập khẩu và cầu yếu đã khiến ngành sản xuất ôtô trong nước tăng chậm lại. Theo báo cáo bán hàng của VAMA, lượng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 11 giảm 12,4% và tính chung 11 tháng giảm 12,8% trong khi xe nhập khẩu tăng tương ứng là 15% và 104%.

May mặc giảm tốc đáng báo động, quý 4 chỉ tăng 3,7%. Chiến tranh thương mại thực tế đã có ảnh hưởng tiêu cực (thay vì tích cực như kỳ vọng) đến ngành dệt may từ 2 góc độ. Thứ nhất, tổng cầu dệt may toàn cầu tăng chậm 3.3% thay vì 7,4% như năm 2018. Thứ hai, xu thế kinh doanh ngắn hạn, phòng thủ trước các diễn biến khó lường về chính sách thương mại quốc tế, dẫn tới khó tối ưu kế hoạch và chi phí cho doanh nghiệp dệt may.

Tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mối liên hệ lớn đến hoạt động của khối FDI. Xuất khẩu của khối FDI trong năm 2019 chỉ tăng 4,2% (năm 2018 tăng 12,4%), ngược lại, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng mạnh 17,7% (năm 2018 tăng 15,4%). Trong xuất khẩu của khối FDI, xuất khầu dầu thô giảm 7,8% và xuất khẩu các hàng hóa khác tăng 4,4%.

SSI nhận định, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp trong quý 4 cho thấy sự phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp FDI lớn như Samsung (điện thoại), Formosa (thép), Lọc hóa dầu Nghi sơn (dầu mỏ tinh chế) mang đến nhiều rủi ro cho tăng trưởng. Sự sụt giảm của các doanh nghiệp này phần lớn đến từ nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan là thay đổi chiến lược đầu tư. Việc hoạch định và dự báo kinh tế Việt Nam vì vậy cũng trở nên phức tạp.

Với điện thoại và lọc hóa dầu, việc can thiệp chính sách sẽ ít hiệu quả nhưng thép và sản xuất xe có động cơ có thể hỗ trợ bằng nhiều biện pháp. Ngoài dự án Formosa, năm 2020 dự án thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đi vào hoạt động nên rất cần các biện pháp phòng hộ với thép Trung Quốc hay xúc tiến thương mại với các nước ASEAN.

Một số ngành công nghiệp vẫn tăng trưởng ổn định là chế biến gỗ, giấy, cao su, nội thất, dệt, sản xuất da.

GDP ngành điện, khí đốt quý 4 tăng thấp, 7,6%. Sản lượng điện sản xuất có tăng nhưng tốc độ tăng ngày một chậm lại, tháng 12 chỉ còn tăng 3,9%, thấp nhất 15 tháng.

Xây dựng và du lịch "cứu" GDP nhưng có thực chất?

GDP xây dựng quý 4 tăng rất cao, 10,3%. Là ngành có giá trị lớn thứ 4 trong nền kinh tế nên tăng trưởng của ngành xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung. Tuy nhiên số liệu tiêu thụ xi măng và sắt thép từ các Hiệp hội lại cho một bức tranh tương phản.

Dịch vụ đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng trong quý 4 nhờ các ngành lớn như bán buôn bán lẻ tăng 9,82%, tài chính ngân hàng bảo hiểm tăng 9,26%, vận tải kho bãi tăng 10,86%. Ngành bất động sản và lưu trú ăn uống có mức tăng trưởng khiêm tốn, 4,87% và 7,4% nhưng đây cũng là mức tăng cao nhất trong 4 quý. Mặc dù tăng cao, độ tin cậy của một số số liệu thành phần cần phải được xem xét kỹ.

bao cao 1

Du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Một tín hiệu có thể lạc quan trong lĩnh vực dịch vụ là ngành lưu trú ăn uống, tương ứng là sự đi lên của du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã có sự cải thiện rõ nét trong nửa cuối năm nhờ sự trở lại của khách Trung Quốc.

Đây là tiền đề tốt để duy trì được tăng trưởng cao khi bước sang năm 2020. Việc mở thêm các tuyến bay mới rõ ràng có kết quả tích cực đến thu hút khách Nhật bản, Đài Loan, và Thailand. Ngược lại, chính sách miễn thị thực với một số quốc gia Châu Âu là chưa đủ để đẩy nhanh lượng khách đến từ khu vực này.

Du lịch xuất siêu 5.68 tỷ USD, tăng 31%, giúp tổng xuất siêu hàng hóa và dịch vụ của năm 2019 đạt 7.46 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2018. Đây là minh chứng cho thấy chính sách phát triển du lịch và kinh tế tư nhân đang đi đúng hướng.

Khơi thông chính sách tạo động lực tăng trưởng mới

Giám đốc phân tích của SSI - ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, các số liệu tăng trưởng của quý 4 và cả năm 2019 cho thấy một bức tranh đa dạng và tương phản dù gam mầu chung có phần tươi sáng. Chính sách ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong những năm qua về cơ bản đã mang lại kết quả tích cực, tạo tiền đề cho kinh tế Việt nam tăng tốc.

"Tận dụng sức cầu trong nước chỉ là giải pháp trước mắt, trong dài hạn Việt nam phải xác định chỉ có thị trường toàn cầu mới có thể tạo ra tăng trưởng cao và bền vững. Tăng trưởng thế giới có thể chậm lại, xu hướng toàn cầu hóa có thể thoái trào, Việt nam vẫn phải tìm mọi cách để tăng nhanh năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh chính sách từ trung ương, các địa phương cũng phải nỗ lực tự tìm hướng đi riêng dựa trên những lợi thế sẵn có.

Thập kỷ vừa qua có nhiều dấu ấn đáng nhớ và đáng quên. Đáng quên là giai đoạn khó khăn xuất phát từ những lý do rất chủ quan kéo dài hơn nửa đầu thấp kỷ. Đáng nhớ là những bài học rút ra từ xử lý khủng hoảng và nỗ lực cải cách. Bài học đó là tài sản quý để tạo nên một thập kỷ mới sẽ chỉ còn những dấu ấn đáng nhớ", ông Linh phân tích.