Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn nhưng không thể thu hồi tài sản
Thời gian qua chỉ thu hồi được hơn 14.000 tỷ đồng trên tổng số 76.000 tỷ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, hiện vẫn còn tồn tại lớn đó là, số tiền thu hồi thấp, tiến độ thu hồi còn chậm, còn để nhiều vụ việc kéo dài, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế có số tiền chiếm đoạt lớn nhưng không thể thu hồi do không còn tài sản, số tiền bị chiếm đoạt bị tẩu tán…
Thực trạng trên vừa được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đưa ra trong báo cáo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì, chiều 29/11.
Theo Phó thủ tướng, mục đích của đợt kiểm tra lần này của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương là thông qua công tác kiểm tra để đánh giá đúng về tình hình, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tìm ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác, từ đó có biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới.
Qua đó để phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách về thu hồi tài sản, từ đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thể chế, chính sách cho phù hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, bảo đảm thực thi công lý, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát cho Nhà nước và nhân dân.
Đáng chú ý, mặc dù công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế qua hoạt động xét xử của ngành tòa án ngày càng được quan tâm, đã chú trọng kê biên, phong tỏa để bảo đảm công tác thu hồi tài sản trong các vụ án.
Tuy nhiên, một số bản án đã có hiệu lực pháp luật từ nhiều năm, có yêu cầu đính chính, giải thích song đến nay vẫn chưa được giải quyết, đó là vấn đề báo cáo cần phân tích sâu thêm, nhất là tìm ra được hướng giải quyết đối với việc thi hành bản án.
Báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tăng cường chỉ đạo viện kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường các biện pháp để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Kết quả, đã thu hồi hơn 14.000 tỷ đồng trên tổng số 76.000 tỷ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt, kê biên và phong toả nhiều tài sản có giá trị khác để bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, viện kiểm sát nhân dân các cấp tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, toà án nhân dân các cấp vận động và thuyết phục bị can, bị cáo và gia đình tự nguyện giao nộp, khắc phục thiệt hại để được xem xét giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng thẳng thắn chỉ ra khó khăn trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, trong đó nổi lên là số tiền thu hồi thấp, tiến độ thu hồi còn chậm, còn để nhiều vụ việc kéo dài, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế có số tiền chiếm đoạt lớn nhưng không thể thu hồi do không còn tài sản, số tiền bị chiếm đoạt bị tẩu tán, chuyển cho người khác đứng tên với nhiều hình thức khác nhau…