14:11 25/04/2018

Nhìn từ “trường hợp hiếm có” tại VietinBank

Minh Đức

VietinBank chờ biện pháp cuối cùng để giải thế bí trong mô hình cổ phần hóa Nhà nước chi phối

Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất, có lợi ích và trách nhiệm lớn nhất tại VietinBank.
Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất, có lợi ích và trách nhiệm lớn nhất tại VietinBank.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) trở thành một trường hợp hiếm có trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, khi không trình được chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận 2018 tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 21/4 vừa qua.

Giải thích điểm này, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết đang trình lên Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để xem xét.

Gạo còn đó…

Nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là cổ đông nước ngoài đang có tỷ lệ sở hữu tối đa tại đây im lặng với lý giải trên. Họ không có quyền tự biết trước, tự quyết kế hoạch mà ngân hàng mình đang đầu tư và sở hữu, mà phải chờ Nhà nước xét duyệt trước.

Cũng tại đại hội, VietinBank - một ngân hàng thương mại có lợi nhuận hàng đầu hệ thống, có các chỉ số sinh lời cao - dự kiến chỉ trả cổ tức 5 - 7%, chưa bằng phần lẻ của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân điển hình khác.

Nhưng gạo còn đó. VietinBank đang là ngân hàng thương mại Nhà nước duy nhất đã cổ phần hóa còn có tới gần 9.000 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần chưa chia, cùng lợi nhuận chưa phân phối dự kiến vượt xa mốc 10.000 tỷ đồng kết thúc quý đầu năm nay.

Nếu có mô hình công ty cổ phần thực sự sau cổ phần hóa như nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác, có thể VietinBank đã linh hoạt hơn trong chính sách cổ tức, chính sách thưởng cho cổ đông với "của để dành" khủng nói trên; qua đó tạo sức hút, sức hấp dẫn và chủ động trong kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Đã có tiền lệ. Năm 2016, mô hình tương tự VietinBank, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thực hiện chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn thặng dư, với tỷ lệ lên tới 35%.

Còn VietinBank, tại đại hội trên, Tổng giám đốc Lê Đức Thọ cho biết: "Chúng tôi nhiều lần đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng quy định hiện nay chưa làm được, hy vọng có thể làm trong sau này. Chúng tôi cũng đã có đề án gửi Ngân hàng Nhà nước để tăng vốn điều lệ trong thời gian tới".

Đã 5 năm kể từ 2013, đến nay VietinBank vẫn chưa thể tăng vốn điều lệ. 5 năm trước, quy mô tổng tài sản toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam chỉ khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng, thì đến cuối 2017 đã vượt mốc 10 triệu tỷ đồng. Ngoài các yêu cầu nội tại, sự mở rộng này đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.

Mặc dù quy mô vốn chủ sở hữu được tích lũy với những nguồn giữ lại lớn nói trên, nhưng vốn điều lệ không tăng trong quá trình phát triển đó dẫn tới những hạn chế.

Khi khó “nuôi con bằng sữa mẹ”

Trong ba ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần hóa (gồm cả Vietcombank và BIDV), riêng VietinBank trở nên đặc biệt: tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã được lấp đầy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm xuống giới hạn cuối cùng 65%.

Để tăng vốn điều lệ, VietinBank chỉ còn cách: một là trả cổ tức bằng cổ phiếu, thực hiện chính sách cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ các nguồn đang giữ lại; hai là phát hành cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn; ba là nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện phát hành riêng lẻ.

Ở cách thứ nhất, như Tổng giám đốc Lê Đức Thọ đề cập ở trên, chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu những năm qua không được triển khai (liên quan đến yêu cầu nộp cổ tức bằng tiền về ngân sách Nhà nước).

Ở cách thứ hai, VietinBank cũng khó triển khai, do kế hoạch ngân sách trung hạn của Nhà nước không bố trí nguồn để đầu tư vào các ngân hàng thương mại.

Khi khó "nuôi con bằng sữa mẹ", VietinBank tìm cách thu hút nguồn lực từ bên ngoài, ở cách thứ ba: nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Cách này phụ thuộc vào thẩm quyền của các cấp tầm cao. Nếu triển khai, một mặt VietinBank tạo thêm sức hấp dẫn trong tăng vốn, mặt khác có triển vọng tạo thêm nguồn thặng dư lớn có lợi cho ngân hàng và cổ đông (trong đó có cổ đông Nhà nước).

Hiện chưa rõ giải pháp cuối cùng của VietinBank để tăng được vốn. Trong khi Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất, có trách nhiệm lớn nhất cũng như lợi ích lớn nhất tại đây. Và những năm qua, VietinBank luôn là một trong những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (qua thuế và cổ tức).

Tự xoay xở, năm 2017 và dự phòng cho 2018, VietinBank vẫn đang buộc phải thực hiện cách thứ tư là phát hành trái phiếu thứ cấp dài hạn để nâng vốn cấp 2, nâng vốn tự có và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Cách thứ tư này, hiện có thuận lợi khi lãi suất trên thị trường đã được bình ổn về mức thấp, chi phí phát hành trái phiếu theo đó bớt áp lực, nhưng vẫn là cách tình thế chắp vá và có giới hạn.

Dù sao, hiện tại CAR của VietinBank cũng đã được nâng lên 10% (theo cập nhật tại đại hội), cao hơn mức tối thiểu 9% quy định.

Và dù chưa tăng được vốn điều lệ, dư địa để tăng trưởng và phát triển tại ngân hàng này đang có chiều hướng dễ thở hơn, sau năm 2017 đã dồn tất toán tới 7.000 tỷ đồng trái phiếu bán nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như kế hoạch tất toán toàn bộ vào đầu 2018.

Theo đó, chiều hướng kinh doanh tại đây có chuyển biến rõ hơn sau năm chậm lại 2017.

Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nêu, quý 1/2018 so với cùng kỳ các năm là quý mà ngay từ đầu năm VietinBank đã có sự bứt phá, tăng trưởng mạnh; trong đó lợi nhuận trước thuế đã đạt trên 3.000 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời ROAA và ROAE lần lượt đạt 1,12% và 15,33%.