Nhu cầu vàng của thế giới giảm mạnh
Nhu cầu vàng của thế giới trong quý 1 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu
Nhu cầu vàng của thế giới trong quý 1 năm nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hãng tin CNBC dẫn báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) ngày 3/5 cho biết.
Sự sụt giảm nhu cầu vàng diễn ra trong bối cảnh lãi suất tăng lên khiến các nhà đầu tư chuyển vốn sang các kênh khác để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có 4 lần tăng lãi suất trong năm 2018, trong đó đã có một lần tăng vào tháng 3.
Báo cáo của WGC cho thấy nhu cầu vàng toàn thế giới đạt 973,5 tấn trong quý 1, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vàng giảm diễn ra đồng thời với việc giá vàng có vùng dao động hẹp nhất trong một quý trong vòng hơn 1 thập kỷ trở lại đây.
WGC cho biết nhu cầu đầu tư vàng thỏi đã giảm 15% trong quý, còn 254,9 tấn, khi các nhà đầu tư tại Mỹ, Trung Quốc và Đức giảm mua tài sản này.
Trong khi đó, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng chỉ mua ròng 32,4 tấn vàng trong 3 tháng đầu năm, giảm khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm 2017.
Tiêu thụ vàng nữ trang cũng giảm, với mức giảm 1%. Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ vàng trang sức nhiều thứ nhì thế giới sau Trung Quốc, chứng kiến quý tiêu thụ vàng ít nhất kể từ năm 2008. Nhu cầu vàng của Ấn Độ trong quý giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 87,7 tấn.
Vàng thường được xem là một kênh đầu tư an toàn trong những giai đoạn bất ổn kinh tế, chính trị. Bởi vậy, nhu cầu vàng của thế giới đã tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2017 do bất ổn chính trị gia tăng.
Tuy nhiên, gần đây, giá vàng bị "kẹt" trong vùng 1.300-1.350 USD/oz khi các nhà đầu tư không tìm thấy một tín hiệu rõ ràng nào cho triển vọng của giá kim loại quý này.
Ngày 3/5, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 1.310 USD/oz, trong lúc giới đầu tư chờ đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra ở Bắc Kinh.