Những hình ảnh đáng báo động tại rừng nhiệt đới Amazon
Chỉ trong tháng 8, đã có hơn 26.000 vụ cháy xảy ra tại rừng Amazon
Những ngày gần đây, loạt hình ảnh cháy rừng tại rừng nhiệt đới Amazon lan nhanh trên Internet, thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Trong đó, các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị G7 tại Biarritz, Pháp cũng đồng loạt kêu gọi chính quyền của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro phải có hành động để bảo vệ rừng nhiệt đới được mệnh danh là "lá phổi của trái đất".
Tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng tại Amazon, với diện tích hơn 5,1 triệu km2 và là nơi sinh sống của 10% loài động thực vật trên toàn cầu, đã tăng lên mức cao nhất của nhiều năm chỉ trong vài tuần qua. Nhiều tổ chức môi trường và nhà lập pháp cho rằng việc ông Bolsonaro khuyến khích khai hoang để phát triển các hoạt động kinh tế, bao gồm nông nghiệp và khai khoáng, là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Tổng thống Brazil, ban đầu bác bỏ các số liệu về tình trạng chặt phá rừng ở Amazon, sau đó tuyên bố sẽ nỗ lực giải quyết và cam kết xử lý nạn chặt phá rừng trái phép tại khu vực Amazon trong bối cảnh nước này có nguy cơ bị cấm vận bởi các đối tác thương mại. Quốc gia Nam Mỹ này hiện là nhà cung cấp đậu tương và thịt bò lớn nhất thế giới.
Dưới đây là một số hình ảnh đáng báo động tại rừng nhiệt đới Amazon được hãng tin Bloomberg và BBC ghi lại.
Video: BBC News.
Các vụ cháy rừng tại Amazon chiếm khoảng 52% tổng số vụ cháy tại Brazil năm nay, với hơn 40.000 vụ xảy ra từ tháng 1, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE).
Chỉ trong tháng 8, đã có hơn 26.000 vụ cháy xảy ra tại rừng Amazon - nơi được mệnh danh là "lá phổi của trái đất".
Các nỗ lực bảo tồn đã giúp hạn chế tình trạng chặt phá rừng tại Amazon, nhưng dữ liệu của INPE cho thấy xu hướng này bùng nổ từ năm 2012. Số lượng cây bị chặt phá đã tăng 73% từ năm 2012 đến 2018, trùng khớp với giai đoạn bất ổn kinh tế.
Chỉ trong mùa trước, đã có gần 800.000 hecta cây rừng, lớn hơn diện tích của Thượng Hải (Trung Quốc), bị san phẳng tại Amazon.
Phân tích của Global Forest Watch từ năm 2001 đến 2015 cho thấy tình trạng chuyển đổi từ đất rừng sang đất nông nghiệp và khai khoáng tại Amazon là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chặt phá rừng.
Khai hoang mở rộng hoạt động kinh tế là nguyên nhân chính đằng sau tình trạng phá rừng tăng vọt tại rừng Amazon.
Diện tích trồng đậu tương tại rừng Amazon đã tăng gấp hơn 4 lần trong vòng 12 năm qua, chiếm 13% tổng diện tích trồng đậu tương của Brazil trong vụ mùa 2017 - 2018. Tuy nhiên, phần lớn diện tích gia tăng đó đến từ việc chuyển đổi đất rừng sang nông nghiệp.
Các công ty chế biến thịt tại Brazil đã cam kết sẽ không nhập nguyên liệu đầu vào từ những nông dân có liên quan tới hoạt động chặt phá rừng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc theo dõi từng nhà cung cấp cá nhân trong chuỗi cung ứng là việc không dễ dàng.
Lực lượng cứu hỏa Brazil đã tích cực dập cháy tại rừng Amazon vài ngày gần đây. Chính phủ Brazil đã huy động quân đội để tham gia hỗ trợ, đồng thời phê duyệt giải ngân tức thời 9,3 triệu USD. Trong khi đó, các lãnh đạo nhóm G7 cũng cam kết đóng góp 20 triệu USD để giải quyết tình trạng khẩn cấp ở rừng Amazon.