12:05 30/08/2019

Những thay đổi về chính sách tiền lương có hiệu lực từ tháng 9

Nhật Dương

Trong tháng 9, nhiều chính sách về tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực

Nhiều chính sách liên quan đến tiền lương của người lao động sẽ chính thức có hiệu lực bắt đầu từ tháng 9 này. Ảnh minh họa.
Nhiều chính sách liên quan đến tiền lương của người lao động sẽ chính thức có hiệu lực bắt đầu từ tháng 9 này. Ảnh minh họa.

Trong tháng 9, nhiều chính sách về tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực như tăng trợ cấp đối với quân nhân xuất ngũ, cách xếp lương mới cho viên chức giáo dục nghề nghiệp...

Thù lao giáo viên dạy nghề sơ cấp tối đa 2 triệu đồng/người/buổi

Đây là quy định mới được sửa đổi tại Thông tư số 40/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thông tư này quy định mức thù lao cho giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Cụ thể, giáo viên cơ hữu đang làm việc tại cơ sở đào tạo của Nhà nước được áp dụng mức tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng.

Với đối tượng người dạy nghề không thuộc trường hợp trên thì mức thù lao sẽ do Thủ trưởng cơ quan đề xuất, nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/buổi.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/9/2019. 

Nhiều nguồn lực để tăng lương năm 2019 tại các địa phương

Đó là quy định tại Thông tư số 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở do Bộ Tài chính ban hành. Theo thông tư này, kinh phí để tăng lương năm 2019 tại các địa phương được huy động từ nhiều nguồn.

Trong đó, bao gồm nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính. Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể tiền sử dụng đất và tiền thu được từ xổ số kiến thiết thực hiện so với dự toán năm 2018 được giao.

Ngoài ra là nguồn đến từ 50% phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6/9/2019.

Tăng 7,19% trợ cấp hàng tháng của quân nhân xuất ngũ

Theo Thông tư 106/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, từ ngày 1/7/2019, tăng 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6 đối với các đối tượng quân nhân đã phục viên, xuất ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân đã phục viên, xuất ngũ. Tùy thuộc vào năm công tác, mức trợ cấp dao động từ 1,891 triệu đồng/tháng đến 2,235 triệu đồng/tháng.

Thông tư trên chính thức có hiệu lực từ ngày 8/9/2019.

Cách xếp lương mới đối với công chức ngành văn thư

Đó là nội dung được quy định tại Thông tư 10/2019/TT-BNV hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư. Theo đó, văn thư chính có hệ số lương từ 4,40 đến 6,78, văn thư có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98, văn thư trung cấp có hệ số lương từ 1,86 đến 4,06.

Trường hợp công chức được tuyển dụng vào vị trí có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên thì bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp và áp dụng bảng lương của công chức loại B.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.

Giảng viên giáo dục nghề nghiệp có hệ số lương cao nhất 8,00

Đây là quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ 26/9/2019 tại Thông tư số 12/2019//TT-BLDTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nội dung chính của thông tư này là hướng dẫn cách xác định hệ số lương mới của viên chức giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có hệ số lương từ 6,20 đến 8,00; giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính có hệ số lương từ 4,40 đến 6,78; giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có hệ số lương 2,34 đến 4,98. Với giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành, hệ số lương từ 2,10 đến 4,89.