16:58 09/05/2019

Nỗi lo thương mại đẩy chứng khoán châu Á xuống đáy 8 tuần

Bình Minh

“Nếu lời đe dọa của ông Trump trở thành sự thực, thì đó sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với nền kinh tế thế giới”

Giới đầu tư toàn cầu đang "phập phồng" lo sợ trước vòng đàm phán thương mại ở Washington - Ảnh: Reuters.
Giới đầu tư toàn cầu đang "phập phồng" lo sợ trước vòng đàm phán thương mại ở Washington - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp nhất 8 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi giới đầu tư chờ xem liệu vòng đàm phán thương mại sắp diễn ra có thể chặn một đợt tăng thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc - một động thái có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo dự kiến, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng phái đoàn sẽ có mặt ở Washington vào ngày thứ Năm và thứ Sáu để đàm phán. Vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh những lời cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc rút lại các cam kết và tuyên bố sẽ tăng thuế áp lên hàng Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ trả đũa nếu lời đe dọa áp thuế mà Mỹ đưa ra trởt hành hiện thực.

Nếu hai bên đạt thỏa thuận, thì Trung Quốc có thể tránh được đợt tăng thuế mạnh mà Mỹ nói sẽ triển khai vào ngày thứ Sáu tuần này. Còn nếu không, căng thẳng sẽ leo thang mạnh, đe dọa đến nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc cũng như toàn cầu.

"Nếu lời đe dọa của ông Trump trở thành sự thực, thì đó sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với nền kinh tế thế giới. Đây là kịch bản tồi tệ nhất mà chúng tôi đã đưa ra vào năm ngoái, mà kết quả có thể sẽ là một đợt suy thoái của kinh tế Mỹ, sự suy giảm tăng trưởng mạnh của Trung Quốc, và sự giảm tốc của thương mại toàn cầu", chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Moody’s Analytics ở Singapore, ông Steve Cochrane, phát biểu với hãng tin Reuters.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm hơn 1%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/3.

Thị trường Trung Quốc đại lục đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tháng rưỡi, với chỉ số Shanghai Composite Index trượt 1,5% và CSI 300 mất gần 1,9% điểm số. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm gần 2,4%.

Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, với mức giảm của phiên này là 0,9%, chạm đáy 5 tuần. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm hơn 3%.

Ông Kazuhiko Fuji, chuyên gia cấp cao của RIETI, một viện nghiên cứu trực thuộc Chính phủ Nhật Bản, nói rằng tình hình đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang rất mong manh.

"Tôi cho rằng Mỹ không chỉ dọa suông. Không có gì khó hiểu nếu đường cong lợi suất của trái phiếu Mỹ lại đảo ngược", ông Fuji nói.

Hồi tháng 3, đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm rơi vào tình trạng đảo ngược, khi lợi suất trái phiếu dài hạn thấp hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn. Khi đó, giới đầu tư đã hoảng hốt vì sự đảo ngược được xem là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Tuần này chứng kiến những thay đổi chóng mặt trên thị trường chứng khoán thế giới sau hai dòng trạng thái (tweet) vào ngày Chủ nhật của Tổng thống Donald Trump nói sẽ tăng thuế đối với hàng Trung Quốc. Sau đợt tăng điểm đều đặn từ đầu năm, các thị trường chủ chốt đã bị những diễn biến mới về đàm phán thương mại nhuộm đỏ liên tiếp từ hôm thứ Hai đến nay.

Phát biểu hôm thứ Tư, ông Trump cáo buộc Trung Quốc "phá thỏa thuận" và nói đó là lý do dẫn tới quyết định tăng thuế quan của ông.

"Chỉ có một điều chắc chắn duy nhất vào lúc này, là nếu Mỹ nâng thuế quan áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, thì đó sẽ là một thảm họa đối với kinh tế Mỹ. Chúng ta chưa bao giờ lại gần cánh cửa suy thoái đến vậy chỉ vì chính sách của Washington", chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu Chris Rupkey của MUFG phát biểu.