Nối tiếp những dòng chảy ngoại tệ lớn vào Việt Nam
Những thương vụ lớn gối đầu, gắn với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam
Ngay sát kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hai doanh nghiệp lớn của Việt Nam lần lượt thông báo kết quả gọi vốn thành công. Những nguồn ngoại tệ mới tiếp tục lan tỏa trên thị trường đến cân đối chính sách.
Ngày 27/4, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thông báo đã chào bán thành công hơn 164 triệu cổ phiếu, thu về xấp xỉ 922 triệu USD.
Theo đó, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đón kỷ lục mới về quy mô các đợt IPO thành công trong lịch sử. Trước đó, kỷ lục thuộc về Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) năm 2007 với 463 triệu USD.
Trước Techcombank, trong năm 2017, thị trường cũng đã đón hai đợt IPO lớn của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 250 triệu USD, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) với 300 triệu USD.
Điểm đáng chú ý trong các đợt IPO này, các nhà đầu tư nước ngoài đều có lượng đặt mua cao hơn nhiều so với lượng chào bán, sẵn sàng trả giá cao cùng ràng buộc hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm…
Ngay sau Techcombank, ngày 30/4, Tập đoàn Novaland công bố huy động thành công 160 triệu USD, qua phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế được chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Đây là lần đầu tiên sau 6 năm, một doanh nghiệp Việt Nam phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi trên sàn giao dịch quốc tế.
Chưa dừng lại đó. Theo các thông tin cập nhật những ngày gần đây, các đợt chào bán lớn để thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đang được lên kế hoạch gối đầu, dự kiến từ quý 2 này.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trình thông qua kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, trong đó có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu.
Nếu phát hành thành công, với giả định theo mức giá cổ phiếu của BIDV đang giao dịch trên sàn hiện nay, thương vụ này cũng hứa hẹn quy mô tỷ đô.
"Chúng tôi đã hoàn thiện sơ bộ thỏa thuận, hợp đồng. Đang trình các cơ quan quản lý nhà nước xem xét quyết định, sau đó sẽ xem xét mức giá kỳ vọng và ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị vẫn phải lấy ý kiến cổ đông một lần nữa thông qua khi ký kết thỏa thuận chính thức", ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV nói về triển vọng hướng phát hành trên tại đại hội.
Cùng với BIDV, tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 27/4 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cũng đã cập nhật kế hoạch phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho tối đa 10 nhà đầu tư nước ngoài.
Kế hoạch này đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Vietcombank đã tiếp xúc với các nhà đầu tư, đang tiến hành thuê tổ chức tư vấn định giá… Và theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến đợt chào bán này, thậm chí có nhà đầu tư muốn mua trọn lượng chào bán.
Nếu kế hoạch phát hành này thành công, cũng như đối tác chiến lược Mizuho sẽ mua thêm để cân đối giữ tỷ lệ sở hữu 15%, nếu tính theo mức giá cổ phiếu Vietcombank đang giao dịch trên sàn, thì đây cũng hứa hẹn sẽ là một thương vụ tỷ đô.
Sau năm 2017 dồn dập các nguồn ngoại tệ lớn đổ vào Việt Nam, nổi bật ở dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, xu hướng nối tiếp trong năm 2018 tiếp tục thể hiện với các thương vụ lớn, cũng như triển vọng các kế hoạch riêng lẻ nói trên.
Dòng chảy ngoại tệ lớn, cùng với thuận lợi từ xuất siêu mạnh trong 4 tháng đầu năm nay (ước tính xuất siêu 3,39 tỷ USD) cũng phản ánh ở sự bình ổn của tỷ giá USD/VND.
Sau hơi hướng bật lên vào trung tuần tháng 3 vừa qua, tỷ giá USD/VND đã nhanh chóng hạ nhiệt và ổn định trên cả thị trường liên ngân hàng và trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Chốt tháng 4 vừa qua, giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức 22.765 VND; trên biểu niêm yết của nhiều ngân hàng thương mại, mức bán ra cũng ổn định ở 22.800 VND.
Suốt 2017 cho đến nay, diễn biến và triển vọng ổn định tỷ giá USD/VND cũng chính là một điểm hấp dẫn để thu hút vốn ngoại, giảm thiểu rủi ro chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Và sau những thương vụ lớn, cũng như triển vọng các kế hoạch thu hút vốn ngoại gối đầu quy mô lớn nói trên, thêm thuận lợi từ xuất siêu khá lớn, có thể trù tính tới việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua vào lượng lớn ngoại tệ, bên cạnh việc duy trì nghiệp vụ mua kỳ hạn 3 tháng thời gian qua.
Tương ứng, lượng tiền đồng đưa ra và ngấm dần vào thị trường. Mà điều này cũng đang thể hiện, khi chốt tháng 4 vừa qua Ngân hàng Nhà nước gần như đã ngừng hút bớt tiền về qua kênh phát hành tín phiếu; số dư lưu hành tín phiếu cũng giảm mạnh từ hơn 120.000 tỷ đầu năm xuống còn 66.880 tỷ tính đến ngày 27/4.