14:30 04/02/2019

Nông dân trồng hoa hy vọng vào thời tiết "mưa thuận gió hòa"

Tường Bách

Chỉ cần hoa nở đúng dịp, bừng bừng khoe sắc thắm, ấy là một năm an yên

Không khác gì người trồng lúa "trông trời, trông đất, trông mây", người trồng hoa vui hay buồn phụ thuộc vào thời tiết.  Ngay từ lúc hè qua, thu sang, họ đã mong ngóng mưa thuận gió hòa để có một mùa Tết bội thu. Chỉ cần hoa nở đúng dịp, bừng bừng khoe sắc thắm, ấy là một năm an yên.

Nơi ăn Tết sớm nhất có lẽ là các làng hoa. Khi chủ vườn bắt đầu nhặt lá mai, uốn thế một cây đào thì dường như mùa xuân cũng đã về đến ngõ.

Làng hoa Nhật Tân – Tứ Liên, Hà Nội

Nhắc đến Tết Hà Nội là nhắc đến hoa đào Nhật Tân, bởi nơi đây gắn liền với nghề trồng đào nổi tiếng lâu đời. Càng gần cuối năm, công việc của người dân làng đào Nhật Tân càng hối hả hơn bao giờ hết. Sau mùa cúc họa mi nhộn nhịp, giờ đây người dân làng đào đang thấp thỏm với thời tiết để chăm sóc, chuẩn bị cho một mùa đào ra hoa đúng dịp.

Những ngày qua thời tiết các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội vẫn còn khá nóng, mưa ít, hanh khô đã làm cho những người dân trồng đào thế ở Nhật Tân lo đến mất ăn mất ngủ. Nếu tình trạng nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra sẽ khiến việc trồng đào gặp nhiều khó khăn, nguy cơ đào bung nụ nở sớm kéo theo giá đào rớt giá là điều khó tránh khỏi.

Ở Nhật Tân có nhiều loại đào, trong đó có ba loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa đến giờ vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa. 

Đào cổ có hai dòng, một là tạo từ cây nhỏ nguyên bản trồng lớn lên, hai là lai ghép, khai thác gốc đào từ trên rừng về rồi cấy ghép giống đào ở vườn vào, khi các mắt ghép lớn thành cành thì bắt đầu uốn, tạo dáng như mong muốn. Cây đào cổ và đào thế phải chăm bón rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao cho đẹp mắt.

Đào cành là đào tự nhiên, với dòng này người trồng để cho cây lớn tự nhiên, uốn sửa rất ít. Tuy nhiên, đào cành đòi hỏi người trồng phải chăm bón và sửa hàng tháng. Đặc biệt, đào cành bắt buộc phải ghép từ cây đào ta lên, qua hai năm mới thu được thành quả.

Tết năm ngoái, người trồng đào Nhật Tân "thua đậm", rút kinh nghiệm năm nay người dân có tính toán tốt hơn nên tỷ lệ đào đẹp tương đối nhiều, cây chết chỉ khoảng 10%. Như truyền thống, thương hiệu đào Nhật Tân năm nay vẫn gắn với loại đào bích, hoa thường có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, nở rộ. Gặp thời tiết gió bấc, mưa phùn, đào bích có tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng may mắn.

Cũng tựa vào sông Hồng, vựa quất lớn nhất ở nội thành Hà Nội là Tứ Liên quả đã sai đều, hứa hẹn sẽ kịp đẹp đúng Tết. Những năm gần đây, người dân Tứ Liên đã chuyển đổi sang trồng quất bonsai, quất thế để phục vụ người tiêu dùng. Sở dĩ quất bonsai được nhiều người ưa chuộng vì nó phù hợp với không gian nhà nhỏ ở phố, dễ dàng vận chuyển và giá cả hợp lý.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết, những người dân Tứ Liên đã phải chăm sóc kỹ lưỡng cho cây từ 5 - 6 tháng trước. Người nông dân chăm quất như chăm con mọn, họ phải bỏ ra nhiều công sức theo từng công đoạn trong năm. Mấy năm nay giá quất rẻ nên người trồng quất Tứ Liên chủ yếu lấy công làm lãi. 

Có vườn hỏng tới 30% nên số cây bán vào Tết chỉ bù được tiền công chăm bón cả năm. Tết năm nay, ngươi dân hy vọng giá quất sẽ sáng sủa hơn, nhưng cũng khó bởi quất đưa từ Văn Giang (Hưng Yên) và Đông Anh sang bán ở nội thành nhiều, nên có sự cạnh tranh gay gắt.

Làng hoa Phú Mậu, Huế

Tết Nguyên đán đang đến ngày một gần, người dân chuyên trồng hoa Tết ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt đầu cắt hoa để phục vụ cho thị trường. Có mặt tại xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), là nơi trồng hoa Tết truyền thống nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế mới thấy, nơi đây trồng rất nhiều loài hoa như hoa cúc, mào gà, vạn thọ, thược dược... 

Năm nay, nhiều nhà vườn tiên phong trồng thử nghiệm với các giống hoa ly cùng các loài phong lan quý.Tuy cây giống được nhập từ các nước như Hà Lan, Chi Lê, Thái Lan, nhưng những loại hoa cao cấp này khi được ươm trồng trên vùng đất cố đô lại mang nét đẹp riêng, được khách hàng ưa chuộng.

Vụ hoa Tết năm nay, Phú Mậu có hơn 2.000 hộ tham gia trồng hoa cúc, tuy líp, ly, đồng tiền, phong lan ngoại, vạn thọ, hoa hồng và 10 hộ trồng cây cảnh các loại cung cấp cho thị trường với tất cả hơn 11ha. 

Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết, để tạo điều kiện cho các hộ dân chuyên canh cây hoa và cây cảnh, hàng năm chính quyền địa phương đều có chính sách, cơ chế hỗ trợ nhiều vốn đầu tư các loại giống mới; mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng, chăm sóc hoa cho người dân.

Với truyền thống làng hoa lâu đời, nông dân Phú Mậu ngày càng có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật trong việc trồng trọt, chăm sóc và đã nhân giống được một số loại hoa. Nếu như trước đây, cứ mỗi vụ hoa Tết, người trồng hoa ở Phú Mậu phải nhập các giống hoa cúc từ Đà Lạt hay Hà Nội về để trồng, thì những năm trở lại đây, nhiều hộ đã biết tạo giống ngay trên mảnh vườn của mình để trồng và cung cấp cho những người khác.

Theo tính toán của các hộ dân trồng hoa ở Phú Mậu, bình quân mỗi hécta hoa đạt doanh thu trên 500 triệu đồng, sau khi trừ đi các chi phí còn thu được từ 250 - 300 triệu đồng tiền lãi. Hiện tại, có hơn 20 hộ trồng hoa tập trung theo công nghệ cao, còn lại hầu hết mỗi nhà đều có vườn trồng hoa riêng, quy mô tùy thuộc vào diện tích đất của mỗi hộ. 

Năm nay việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn, do thời điểm chăm sóc hoa lại gặp trời mưa nhiều và ảnh hưởng sau lũ, nhưng người dân cũng cố gắng đầu tư cẩn thận. Vì bên cạnh lúa là cây trồng chủ lực thì việc trồng hoa mang lại nguồn thu nhập chính cho mỗi hộ gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về.

Làng hoa Phước Định,  Vĩnh Long

Từ sau Rằm tháng Chạp, các làng hoa tại miền Tây trở thành địa điểm du lịch lý tưởng, hàng ngày đều đón dòng người nườm nượp đổ về. Chẳng hạn như, chạy xe qua phà Đình Khao, chạy dọc theo QL 57 rồi bon bon trên những nẻo đường đầy mai, là có thể ghé thăm "thủ phủ" mai vàng Phước Định (xã Bình Hòa Phước). 

Ở đây, có những gia đình "yêu cây mai" truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ là những nghệ nhân, dùng tình yêu, sự cần mẫn, bền bỉ và đam mê để mỗi cây mai là một tác phẩm nghệ thuật, một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết ở miền Nam.

Phước Định là một trong những nơi mà người yêu thích mai vàng Sài Gòn thường lui tới để ngắm nhìn những cây mai kiểng được tạo dáng rất đẹp. Làng nghề truyền thống Phước Định hiện có hơn 550 cây mai vàng hơn 100 tuổi, hơn 1.000 cây từ 50 - 100 năm tuổi... đường kính gốc gần một mét, được gọi là "đại mai". Giá mỗi cây "đại mai" tại làng nghề Phước Định dao động từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng. 

Năm 2009, UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận làng mai Phước Định là làng nghề truyền thống. Hiện có 150 gia đình trồng, chăm sóc gần 100.000 cây mai vàng ở các độ tuổi.   

Ông Hồ Văn Sửng, 72 tuổi, một "cao thủ" của làng mai Phước Định 2 bật mí: "Làng chúng tôi không mua bán bất kỳ một loại mai ghép nào vì độ bền thấp; ngược lại 100% người trồng mai đều kinh doanh mai "Y" (loại mai thiên nhiên) vì dễ tạo dáng, độ bền lâu; có giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao. Tuy trồng mai "Y" vất vả hơn mai ghép rất nhiều nhưng thu nhập rất cao. Yếu tố quan trồng nhất là tưới đúng thời gian, liều lượng kết hợp với lượng gió Đông nhiều hay ít (còn gọi là gió Bấc) thì mới thành công như mong đợi...".

Cũng theo ông Sửng, để có được nguồn mai "Y", người trồng phải cất công lăn lội đi tìm mua tại các địa phương. Cạnh đó là sự "truy lùng" rất đại trà từ các tài xế xe honđa khách, các tài công ghe tàu để bán lại cho người trồng. Sau đó mai y được thuần dưỡng, chăm sóc, tạo dáng... từ 3 đến 5 năm tuỳ theo dáng cây và chờ thương lái đến ngã giá. 

Ông Sửng chia sẻ mình vừa bán được 1 cây mai cổ với giá 1,3 tỷ đồng và đang sắp bán một cây mai khác với giá 300 triệu. Nhờ vậy năm nay ăn Tết lớn.

Điều đáng quý ở làng mai Phước Định là hầu hết người trồng đều tham gia "Làng nghề truyền thống hoa kiểng, cây giống, du lịch sinh thái Phước Định" nên thường xuyên được tập huấn rất bài bản những biện pháp giảm thiểu rủi ro để tăng năng suất, chất lượng. Tất cả các thành viên luôn đoàn kết một lòng giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, phòng ngừa dịch bệnh...

Năm nay, dù thời tiết thất thường nhưng với kinh nghiệm dày dạn, hàng trăm thành viên làng nghề mai Phước Định vẫn đang phấn khởi với những tín hiệu rất lạc quan. Mai đã nở vàng cùng với nắng xuân, cho thấy một năm mới lấp lánh niềm vui.