OCB chính thức được công nhận tuân thủ Basel II
Sau một năm triển khai và áp dụng Basel II, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước thẩm định, đánh giá và công nhận
Sau một năm triển khai và áp dụng Basel II, ngày 26/12/2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn.
Để hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, OCB đã triển khai 10 công cụ lớn nhỏ hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro; nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình/quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro.
Đồng thời, Ngân hàng cũng đã tổ chức hàng loạt chương trình truyền thông, đào tạo đồng bộ và hiệu quả trên toàn hệ thống.
Việc chủ động triển khai thành công Basel của OCB thời gian qua và nay là sự công nhận của Ngân hàng Nhà nước đã minh chứng cho việc đi đầu và tuân thủ các quy định, định hướng từ Ngân hàng Nhà nước của OCB, nhằm góp phần xây dựng một ngành ngân hàng Việt Nam lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị.
Theo các chuyên gia tài chính, việc triển khai và áp dụng thành công Basel II giúp OCB hoạt động an toàn hơn, lành mạnh, nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn nên sẽ mang lại các kết quả kinh doanh khả quan, bền vững hơn.
Sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa. Việc triển khai thành công Basel II cho thấy OCB đã và đang từng bước vận hành thành công các chuẩn mực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đánh dấu bước ngoặc mới trong chặng đường phát triển của Ngân hàng trong tương lai.
Cụ thể, Basel II không chỉ đem đến những giá trị thiết thực không chỉ cho chính bản thân Ngân hàng, mà các khách hàng và cổ đông của OCB cũng nhận được nhiều lợi ích. Việc áp dụng Basel II đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.
Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh. Thực tế, Basel II không chỉ giúp Ngân hàng giảm rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập với thế giới và cũng là cách để bảo vệ ngân hàng, khách hàng tốt nhất.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, khẳng định: "Sự công nhận của Ngân hàng Nhà nước về việc áp dụng Thông tư 41, chính thức hoàn thành triển khai thành công Basel II tại OCB được Ngân hàng xem là cột mốc đáng ghi nhận cho nỗ lực của chúng tôi trong suốt thời gian qua; đồng thời tạo nền tảng quan trọng cho OCB duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường, đem lại các giá trị gia tăng có lợi nhất cho khách hàng trong định hướng "Khách hàng là trọng tâm" mà Ngân hàng đang theo đuổi".
Bên cạnh việc hoàn thành thành công Basel II và được Ngân hàng Nhà nước công nhận, OCB còn đạt được nhiều thành công khác trong năm 2018 như: được tổ chức Xếp hạng tín dụng uy tín Moody's nâng bậc xếp hạng lên B1 ở nhiều hạng mục quan trọng; là Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thành công nền tảng OMNI Channel (ngân hàng hợp kênh) vào các hoạt động của ngân hàng; liên tiếp nhận 2 giải thưởng từ tạp chí Tài chính Quốc tế (IFM) là Ngân hàng đột phá nhất Việt Nam năm 2018 và nền tảng kênh OMNI mới tốt nhất Việt Nam về sự bứt phá trong áp dụng khoa học công nghệ vào ngành ngân hàng năm 2018.