10:13 10/06/2018

Ông Trump bị “lạnh nhạt” ở thượng đỉnh G7

An Huy

Mối bất hòa giữa Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác trong G7 hiện rõ tại hội nghị thượng đỉnh của khối

Các nhà lãnh đạo khối G7 tại La Malbaie Quebec, Canada ngày 8/6 - Ảnh: Reuters.
Các nhà lãnh đạo khối G7 tại La Malbaie Quebec, Canada ngày 8/6 - Ảnh: Reuters.

Mối bất hòa giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo khác trong G7 hiện rõ tại hội nghị thượng đỉnh của khối này đang diễn ra ở Canada - hãng tin BBC cho hay. Không chỉ bất đồng về thương mại, ông Trump còn vấp phải sự chỉ trích của các nhà lãnh đạo khác vì một phát biểu liên quan đến Nga.

Ngày 8/6, trước khi hội nghị bắt đầu, ông Trump bất ngờ kêu gọi đưa Nga trở lại nhóm các nước công nghiệp phát triển, sau khi Moscow bị loại khỏi G8 vào năm 2014 vì sáp nhập Crimea - bán đảo ly khai khỏi Ukraine. Quan hệ giữa Nga với phương Tây hiện vẫn căng thẳng, đặc biệt là sau vụ hạ độc một điệp viên hai mang người Nga ở Anh mới đây.

"Các bạn biết đấy, cho dù các bạn thích điều này hay không, và có thể điều này không chính xác về mặt chính trị, nhưng chúng ta có một thế giới cần được vận hành, và trong G7 - khối vốn là G8 - họ đã loại nước Nga. Họ nên để Nga quay trở lại khối", ông Trump nói.

Ban đầu, phát biểu này của ông Trump nhận được sự ủng hộ của tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, người viết trên mạng xã hội Twitter rằng việc Nga trở lại G7 "mang lại lợi ích cho tất cả các bên".

Nhưng sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói các nước châu Âu trong G7, bao gồm cả Italy, đều nhất trí rằng việc Nga trở lại khối là điều không nên xảy ra, trừ phi "có tiến bộ" trong vấn đề Ukraine. Canada thì nói thẳng rằng nước này vẫn phản đối việc Nga trở lại G7.

Một phát ngôn viên của điện Kremlin nói Moscow hiện quan tâm đến "các khuôn khổ khác" ngoài G7. Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đang có chuyến thăm Bắc Kinh. Tại đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao tặng ông Putin huân chương hữu nghị.

Tuy nhiên, căng thẳng về vấn đề thuế quan mới là "đám mây đen" lớn nhất phủ bóng lên thượng đỉnh G7 lần này. Chỉ vài ngày trước khi hội nghị bắt đầu, ông Trump áp thuế nhập khẩu thép và nhôm mạnh tay lên Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland gọi thuế thép và nhôm của Mỹ là "bất hợp pháp và hoàn toàn vô lý", trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo rằng lập trường của ông Trump về thương mại, biến đổi khí hậu và Iran tạo thành một nguy cơ thực sự.

"Điều khiến tôi lo ngại nhiều nhất là trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc đang bị thách thức, không phải bởi những lực lượng thường thấy, mà bởi chính vị kiến trúc sư chủ chốt và người bảo vệ của hệ thống này: nước Mỹ", ông Tusk nói.

Mặc dù vậy, sau cuộc gặp với ông Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói "mọi việc đang tiến về phía trước" và các bên vẫn có thể đạt tiến bộ về thương mại, nhưng không nói cụ thể hơn.

Có một số thông tin nói rằng thượng đỉnh G7 lần này sẽ không có tuyên bố chung do mâu thuẫn giữa các nước còn lại với Mỹ. Nhưng ông Trump nói với các nhà báo rằng ông tin hội nghị vẫn sẽ ra tuyên bố chung.

Ông Trump nói Mỹ và Canada đang bàn bạc về cắt giảm thuế quan và "đưa thuế quan về mức rất bình đẳng cho cả hai nước". "Chúng tôi đã đạt nhiều bước tiến trong ngày hôm nay", ông nói và nhấn mạnh rằng quan hệ giữa hai nước "có lẽ đang tốt hơn bao giờ hết".

Là người đến muộn nhất tại thượng đỉnh G7 lần này, ông Trump cũng là người sẽ rời hội nghị trước tiên. Một phần lý do là ông chuẩn bị lên đường tới Singapore để có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Bởi vậy, ông sẽ bỏ lỡ một số chủ đề bàn thảo tại thượng đỉnh G7.

Theo chương trình được công bố, ông Trump sẽ dự các cuộc thảo luận về kinh tế và an ninh vào ngày thứ Sáu, nhưng không dự được các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, môi trường và bình đẳng giới vào ngày thứ Bảy.