07:49 04/07/2019

Ông Trump cáo buộc châu Âu và Trung Quốc “thao túng tỷ giá”

An Huy

Cáo buộc này của ông Trump khiến giới phân tích lo ngại Washington sắp có một động thái đáp trả nào đó

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: EPA.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: EPA.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/7 cáo buộc châu Âu và Trung Quốc thao túng tỷ giá, khiến giới phân tích lo ngại Washington sắp có một động thái đáp trả nào đó.

Trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nói châu Âu và Trung Quốc đang chơi một "trò chơi lớn về thao túng tỷ giá". Cáo buộc này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump đạt thỏa thuận hòa hoãn thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Trump có vẻ như không chỉ cảnh báo suông. Dòng tweet của ông còn kêu gọi: "Hãy đáp trả, hoặc tiếp tục làm bù nhìn khoanh tay đứng nhìn các quốc gia khác chơi trò chơi của họ".

Các chiến lược gia hiện đang cân nhắc khả năng Bộ Tài chính Mỹ có một động thái can thiệp nào đó để làm tỷ giá đồng USD yếu đi.

Mỹ chưa hề can thiệp vào thị trường ngoại hối kể từ năm 2011 đến nay. Vào năm 2011, Mỹ can thiệp vào thị trường ngoại hối như một phần trong nỗ lực quốc tế ứng phó với sự tăng giá chóng mặt của đồng Yên sau thảm họa động đất-sóng thần ở Nhật Bản.

Gần đây, ông Trump liên tục phàn nàn về tỷ giá đồng USD mạnh, thậm chí sau khi Mỹ không dán nhãn thao túng tỷ giá lên Trung Quốc trong báo cáo tiền tệ mà Bộ Tài chính Mỹ công bố hồi cuối tháng 5.

"Nỗi ám ảnh (của ông Trump) về thao túng tỷ giá đồng nghĩa với việc chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ điều gì có thể xảy ra", chiến lược gia ngoại hối Bipan Rai thuộc CIBC nhận xét. "Bộ Tài chính Mỹ từ rất lâu đã không can thiệp để làm suy yếu tỷ giá USD, nhưng chúng ta cũng không nên ngạc nhiên nếu điều này thay đổi dưới thời ông Trump".

Năm nay, chỉ số Bloomberg Dollar Index - một thước đo sức mạnh đồng USD - đã giảm khoảng 0,4%, sau khi tăng 3,2% trong 2018. Tuy nhiên, nếu sử dụng thước đo dựa trên tỷ trọng thương mại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thì đồng USD hiện không thấp hơn là mấy so với mức tỷ giá mạnh nhất kể từ năm 2002. Về lý thuyết, đồng USD mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ khó cạnh tranh hơn ở nước ngoài.

Theo ông Rai, khả năng Bộ Tài chính Mỹ can thiệp vào thị trường ngoại hối sẽ tăng lên nếu FED không giảm lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng này. Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã liên tục gây sức ép đối với Chủ tịch FED Jerome Powell nhằm buộc FED phải hạ lãi suất. Tháng trước, ông Trump thậm chí so sánh FED với một "đứa trẻ cứng đầu" vì không hạ lãi suất.

Cho dù FED có hạ lãi suất vào cuối tháng 7 như thị trường dự báo, thì điều đó chưa chắc đã đủ đối với ông Trump - theo đánh giá của Bank of America.

"FED có thể hạ lãi suất như ông Trump muốn lần này. Nhưng vấn đề sẽ nảy sinh nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn các nền kinh tế khác và đồng USD nhờ đó mà vững giá", chiến lược gia về tỷ giá Ben Randol của Bank of America nhận định. "Trong trường hợp đó, ý muốn can thiệp vào thị trường ngoại hối sẽ tăng lên nếu việc FED hạ lãi suất không thể làm cho đồng USD yếu đi".