Ông Trump ngày càng khó lường, Trung Quốc chuẩn bị cho “điều xấu nhất”
Tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” mấy ngày qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc cho thấy hai bên khó thỏa thuận
Tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc về "các cuộc điện đàm Mỹ-Trung" là dấu hiệu mới nhất cho thấy khả năng đạt một thỏa thuận để kết thúc thương chiến giữa hai nước vẫn còn là điều xa vời.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin là giới chức Trung Quốc gần cận với đàm phán thương mại nói rằng, với những tín hiệu gây khó hiểu mấy ngày qua, tính đáng tin cậy của ông Trump đã trở thành một trở ngại chính để Trung Quốc đi đến một thỏa thuận lâu dài với Mỹ.
"Ông Trump khiến Trung Quốc mất niềm tin"
Nguồn tin nói, chỉ có một vài quan chức ở Bắc Kinh cho rằng hai bên có thể đạt một thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, bởi sẽ là một điều "nguy hiểm" nếu một quan chức nào đó cố vấn cho Chủ tịch Tập Cận Bình ký một thỏa thuận với ông Trump để rồi cuối cùng ông Trump lại phá thỏa thuận.
Hôm thứ Hai, khi đang có mặt ở Pháp dự hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), ông Trump tuyên bố rằng các quan chức Trung Quốc đã gọi điện cho "các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của chúng tôi" để đưa ra lời đề nghị quay trở lại bàn đàm phán.
Trong những phát biểu sau đó, ông Trump nói rằng những cuộc gọi này là một bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang rất muốn đạt thỏa thuận thương mại: "Họ đã gánh chịu thiệt hại rất lớn, nhưng họ hiểu rằng đây là điều đúng đắn phải làm".
Các tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng ngay lập tức chiếm trang nhất của các tờ báo và hãng tin lớn, đồng thời đưa thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm. Tuy nhiên, giới chức ở Bắc Kinh lại nói rằng họ không hề hay biết về những gì ông Trump nói tới.
Tệ hơn, điều ông Trump nói càng khẳng định một trong những nỗi sợ lớn nhất của Bắc Kinh về ông: họ cho rằng ông không đáng tin cậy để thỏa thuận - nguồn tin là quan chức Trung Quốc đề nghị không tiết lộ danh tính cho hay.
"Sự thay đổi xoành xoạch của ông Trump càng gây mấy niềm tin nhiều hơn", ông Tao Dong, Phó chủ tịch phụ trách mảng ngân hàng tư nhân của Credit Suisse ở Hồng Kông, nhận xét. "Điều này khiến một giải pháp nhanh chóng cho thương chiến gần như là điều không thể".
Nguồn tin nói với Bloomberg rằng Trung Quốc đã chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho kịch bản không có thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong số đó, có kế hoạch đưa các công ty Mỹ vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy", và tung các biện pháp kích cầu kinh tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/8 một lần nữa khẳng định không hề hay biết về những cuộc gọi mà ông Trump đề cập.
Nguồn tin nói rằng Trung Quốc vẫn muốn đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng bắt đầu chuẩn bị cho sự phân ly với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nguy cơ xảy ra sự phân ly kinh tế Mỹ-Trung trở nên lớn hơn sau khi ông Trump vào hôm thứ Sáu vừa rồi kêu gọi các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc. Sau khi đàm phán đổ vỡ vào tháng 5, ông Tập đã nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc cần tự chủ trong các công nghệ chủ chốt, đồng thời nói về một "cuộc vạn lý trường chinh mới".
Trung Quốc không muốn "mất mặt"
"Một cuộc phân ly về thực chất đã bắt đầu rồi, vì các công ty phải lên kế hoạch dự phòng cho việc thay địa chỉ sản xuất bởi có quá nhiều sự bấp bênh", ông Tim Stratford, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nhận xét.
Thương chiến Mỹ-Trung đến hiện tại đã gây nhiều tổn thất cho Trung Quốc, góp phần khiến nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ, bên cạnh những nguyên nhân như chiến dịch kiểm soát nợ và rủi ro tài chính của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn dư địa để kích cầu nền kinh tế. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố một cải cách lớn nhằm giúp hạ lãi suất cho vay. Chính phủ trung ương Trung Quốc đang cân nhắc cho các tỉnh thành phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn cho đầu tư hạ tầng.
Trên phương diện chính trị, Trung Quốc không muốn "mất mặt" bằng cách ngả theo sức ép của ông Trump. Phái "diều hâu" trong đội ngũ cố vấn của ông Trump dường như trở nên mạnh hơn sau mỗi lần ông Trump xóa bỏ thỏa thuận "đình chiến" và ra những đòn mạnh hơn với Trung Quốc, từ nâng thuế quan cho tới cấm vận hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc Huawei.
"Trung Quốc đặc biệt chú trọng vai trò lãnh đạo của Đảng, thể hiện qua sự phát triển kinh tế và tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Cả hai yếu tố này đều đang bị đe dọa, và Trung Quốc không thể chấp nhận thua cuộc. Rất khó có chuyện Trung Quốc có nhượng bộ lớn vào thời điểm này", ông Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trung-Mỹ thuộc Đại học Denver, nhận xét.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đàm phán Mỹ-Trung có bước tiến nào hay không trong thời gian tới sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các tính toán chính trị của ông Trump trước cuộc bầu cử 2020. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra ở Washington trong tháng 9.
Theo ông Charles Liu, một cựu quan chức kinh tế của phái đoàn Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, cho rằng ông Trump có lẽ đang nhận thấy việc ông tấn công Trung Quốc sẽ là "thảm họa" đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Mỹ.
"Điều duy nhất thay đổi chính là ông Trump đang chịu áp lực lớn phải đạt một thỏa thuận chứ không phải Trung Quốc", ông Liu nói. "Lập trường của Trung Quốc vẫn là nếu Mỹ muốn đàm phán, thì cánh cửa luôn mở, nhưng sự đe dọa sẽ không giúp ích gì cho đàm phán".