10:55 26/05/2018

Ông Trump: “ZTE nộp phạt 1,3 tỷ USD nếu muốn dỡ trừng phạt”

Bình Minh

Kế hoạch này của Tổng thống Trump vấp phải sự phản đối mạnh của nhiều nghị sỹ

Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến ZTE phải dừng hầu hết các hoạt động chính.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến ZTE phải dừng hầu hết các hoạt động chính.

Tổng thống Donald Trump ngày 25/5 tuyên bố Mỹ sẽ cho phép ZTE hoạt động bình thường trở lại nếu công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc này nộp phạt 1,3 tỷ USD, thay đổi bộ máy lãnh đạo, và có sự "đảm bảo an ninh mức độ cao".

Theo hãng tin Bloomberg, tuyên bố trên được ông Trump đưa ra trong một dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter vào buổi tối ngày thứ Sáu theo giờ Mỹ. Nguồn thạo tin nói với Bloomberg rằng thỏa thuận dự kiến này với ZTE đã được chính quyền Trump đưa ra trước Quốc hội Mỹ và nhận được sự phản hồi nhiều lo ngại từ phía các nghị sỹ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Các nghị sỹ không đồng tình với những điều kiện mà ông Trump đưa ra cho ZTE lo ngại Tổng thống Mỹ đang "xuống nước" với một công ty đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, đặc biệt lại là một công ty Trung Quốc - nước đang có mâu thuẫn thương mại căng thẳng với Mỹ.

Dòng tweet của ông Trump cũng nhằm sự chỉ trích vào Đảng Dân chủ, nói rằng người tiền nhiệm Barack Obama và nghị sỹ Chuck Schumer, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, "đã để cho ZTE phát triển mà không hề có một sự kiểm soát an ninh nào".

Nguồn thạo tin nói rằng những điều kiện mà ông Trump đưa ra để dỡ trừng phạt cho ZTE còn bao gồm công ty này phải thuê các nhà giám sát tuân thủ của Mỹ để giám sát hoạt động của công ty.

Một khi ZTE đáp ứng được những điều kiện trên, Bộ Thương mại Mỹ sẽ dỡ lệnh trừng phạt cho ZTE. Lệnh trừng phạt này cấm các công ty Mỹ, bao gồm hãng sản xuất thiết bị bán dẫn Qualcomm, bán linh kiện cho ZTE trong 7 năm. Lệnh cấm này đã khiến ZTE phải dừng gần như toàn bộ các hoạt động chính.

Một thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và ZTE sẽ có ảnh hưởng không chỉ đối với công ty này. Mỹ và Trung Quốc hiện đang ở trong một cuộc đàm phán "cân não" về thuế quan và quyền sở hữu trí tuệ, cuộc đàm phán mà nếu không mang lại giải pháp có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đầu tuần này, ông Trump tuyên bố đã yêu cầu cơ quan chức năng của Mỹ xem xét lại lệnh trừng phạt đối với ZTE vì "nể" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. ZTE ước tính thiệt hại khoảng 3,1 tỷ USD vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, với sự phản đối của nhiều nghị sỹ, chưa rõ Quốc hội Mỹ có dùng quyền phủ quyết của đa số để ngăn chặn một thỏa thuận giữa ông Trump với ZTE.

"ZTE là một mối đe dọa an ninh quốc gia đối với nước Mỹ, và không có một điểm nào trong thỏa thuận được nêu giải quyết được sự thật căn bản đó. Nếu Tổng thống Trump sẽ không đặt an ninh của nước Mỹ lên trên việc làm của người Trung Quốc, thì Quốc hội sẽ hành động trên cơ sở sự đồng thuận hai đảng để ngăn chặn ông ta", thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Van Hollen đến từ bang Maryland tuyên bố.

ZTE bắt đầu gặp rắc rối vào năm 2016 khi bị phát hiện vi phạm luật Mỹ về hạn chế bán công nghệ Mỹ cho Iran. Theo thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ và ZTE vào năm 2017, công ty này phải nộp phạt 1,2 tỷ USD và phạt những nhân viên có liên quan.

Tuy nhiên, tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng ZTE vẫn thưởng đầy đủ cho những nhân viên có liên quan đến vi phạm nói trên, và không hề khiển trách những nhân viên này. Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong 7 năm. Lệnh cấm đã dẫn tới việc cổ phiếu của ZTE bị ngừng niêm yết cả ở thị trường Thẩm Quyến và Hồng Kông kể từ đó.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến sẽ có chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 2-4/6 để đàm phán thương mại, và Trung Quốc đã đưa việc cứu ZTE trở thành một trong những ưu tiến chính của nước này trong cuộc đàm phán với Mỹ.

Về phần mình, chính quyền Trump đang gây sức ép đòi Trung Quốc cắt giảm khoản thâm hụt thương mại Mỹ-Trung 376 tỷ USD, trong khi Bắc Kinh mới đưa ra những cam kết mơ hồ về việc mua thêm hàng hóa Mỹ.