Phái đoàn Trung Quốc bất ngờ hủy thăm nông trại Mỹ, lên đường về nước sớm
Diễn biến này ngay lập tức đặt ra những hoài nghi và bi quan mới về tiến trình giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Đoàn quan chức Trung Quốc đang có mặt ở Washington để đàm phán thương mại ngày 21/9 bất ngờ hủy kế hoạch thăm nông trại Mỹ và sẽ lên đường về nước sớm. Diễn biến này ngay lập tức đặt ra những hoài nghi và bi quan mới về tiến trình giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo tin từ Bloomberg, thông tin đoàn Trung Quốc hủy kế hoạch thăm nông trại Mỹ được đưa ra chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông không muốn đạt "thỏa thuận một phần" với Trung Quốc trong đó Trung Quốc tăng mua hàng hóa nông sản Mỹ. Thay vào đó, ông Trump nói, ông muốn đạt một thỏa thuận đầy đủ, hoàn toàn.
Các cuộc thảo luận giữa đoàn quan chức cấp thứ trưởng của Trung Quốc và giới chức Mỹ đã diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này ở Washington để chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10.
Sau 12 vòng đàm phán cấp cao, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa tìm ra lối thoát. Hy vọng về một thỏa thuận đã tan biến vào tháng 5 năm nay, khi cuộc đàm phán giữa hai bên bất ngờ đổ vỡ vào phút chót. Trong suốt mùa hè, thị trường toàn cầu lại phập phồng hy vọng khi Washington và Bắc Kinh nối lại đàm phán, để rồi một lần nữa thất vọng khi ông Trump trong tháng 8 ồ ạt áp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc.
Gần đây, khi hai bên có những động thái thiện chí hoà hoãn, miễn một số thuế quan áp lên hàng hóa của nhau và Trung Quốc quay trở lại mua nông sản Mỹ, giới quan sát tiếp tục nuôi hy vọng về vòng đàm phán tháng 10. Nhưng với những diễn biến ngày thứ Sáu, hy vọng này lại bị dập tắt.
Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nói chuyến thăm nông trại Mỹ của phía đoàn Trung Quốc là một động thái "thiện chí" của Bắc Kinh.
Nhưng ngày thứ Sáu, Cục Nông trang Montana cho biết đã được Đại sứ quán Trung Quốc thông báo rằng phái đoàn "có sự điều chỉnh lịch làm việc" và sẽ quay trở về Trung Quốc sớm hơn dự kiến. Cơ quan nông nghiệp bang Nebraska, một tiểu bang khác mà phái đoàn Trung Quốc dự kiến thăm nông trại, cũng xác nhận chuyến thăm đã bị hủy.
Ngành nông nghiệp Mỹ đã trở thành một mục tiêu chính của Bắc Kinh trong thương chiến, bởi Trung Quốc hiểu được tầm quan trọng của tầng lớp cử tri là nông dân Mỹ trong khả năng tái cử Tổng thống của ông Trump. Thuế quan trả đũa của Trung Quốc áp lên hầu như mọi nông sản của Mỹ, từ trái mơ cho tới đậu tương đã gây sụt giảm nhu cầu, giữa lúc các nông trại Mỹ lao đao vì thời tiết cực đoan.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới ngày thứ Sáu tại cuộc gặp với Thủ tướng Scott Morrison của Australia, ông Trump nói thương chiến sẽ không ảnh hưởng gì đến nỗ lực của ông giành thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng trong cuộc bầu cử 2020. Ông tuyên bố sẽ không lùi bước chừng nào chưa đạt một "thỏa thuận toàn diện" với Trung Quốc.
Ông Trump cũng nói ông có một mối quan hệ "tuyệt vời" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng hiện tại hai nhà lãnh đạo đang có "một tranh cãi nho nhỏ".
"Tôi biết là cử tri sẽ hiểu điều này", ông nói. "Tôi không cho rằng việc đó có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử".
Tuy nhiên, ông Trump cũng nói có lẽ sẽ tốt hơn cho triển vọng tái cử của ông nếu Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận thương mại.
Một tuyên bố của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết các cuộc thảo luận Mỹ-Trung trong ngày thứ Năm và thứ Sáu ở Washington diễn ra "hiệu quả". Tuyên bố nói phía Mỹ đang chờ diễn ra cuộc đàm phán cấp cao vào đầu tháng sau, cũng ở thủ đô nước này.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói những diễn biến gần đây đã tạo ra một "bầu không khí thuận lợi" cho cuộc đàm phán vốn đang rơi vào bế tắc do những cáo buộc và sự mất niềm tin lẫn nhau giữa hai bên.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, những phát biểu của ông Trump ngày thứ Sáu đã làm suy giảm hy vọng Mỹ-Trung đạt một thỏa thuận tạm thời để phá vỡ thế bế tắc. Gần đây, giới chức chính quyền Mỹ đã bàn đến khả năng đi đến một thỏa thuận tạm thời mà theo đó Mỹ sẽ hoãn hoặc dỡ một phần thuế quan áp lên hàng Trung Quốc để đổi lấy cam kết của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ và mua hàng hóa nông sản Mỹ.
Một thỏa thuận tạm thời như vậy sẽ giải tỏa áp lực cho thị trường tài chính và giảm bớt gánh nặng kinh tế mà thương chiến gây ra cho Mỹ vào thời điểm ông Trump bước vào chiến dịch tranh cử.
Ông Trump luôn nói thuế quan không hề gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế Mỹ và hoàn toàn do Trung Quốc gánh chịu, nhưng các dữ liệu thống kê và phân tích của giới chuyên gia cho thấy nền kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc đều "chịu trận" trong cuộc chiến này.