13:17 10/02/2018

Phố Wall tăng điểm, chốt tuần giảm điểm tồi tệ nhất trong 2 năm

Bình Minh

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng hoàn tất tuần giao dịch với mức giảm mạnh nhất 2 năm

Các nhà giao dịch làm việc trên thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch làm việc trên thị trường chứng khoán Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng hoàn tất tuần giao dịch với mức giảm mạnh nhất trong 2 năm. Nỗi lo lãi suất tăng nhanh đã đẩy các chỉ số ở Phố Wall vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction), khi giới đầu tư thấp thỏm đợi số liệu lạm phát của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 14/2.

Hãng tin Bloomberg cho biết S&P 500 đã sụt 5,2% trong tuần này, mức giảm mạnh nhất trong một tuần của chỉ số này kể từ tháng 1/2016. Mức giảm này đủ khiến các nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoảng loạn sau khi chứng khoán Mỹ có một quãng thời gian tăng điểm đều đặn dài chưa từng thấy.

Trong tuần, có thời điểm, chứng khoán Mỹ sụt 12% từ mức đỉnh gần nhất. Phiên giao dịch cuối cùng của tuần, Phố Wall chứng kiến sự đảo chiều mạnh mẽ so với phiên giảm 4% vào ngày thứ Năm, và kết thúc với mức tăng 1,5% của S&P 500. Tuy nhiên, đợt bán tháo của tuần vẫn quét sạch thành quả tăng giá của thị trường kể từ đầu năm.

Dow Jones tăng 1,4% trong phiên này, còn Nasdaq tăng 1,7%.

undefined - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này - Nguồn: CNBC.

Đóng cửa trước thị trường Mỹ, chứng khoán châu Âu và châu Á đã có thêm một phiên giảm mạnh. Chỉ số Stoxx Europe 600 của chứng khoán châu Âu giảm 1,4%, xuống mức thấp nhất hơn 5 tháng. Chỉ số FTSE 100 của chứng khoán Anh giảm 1,1%, chạm đáy 13 tháng. Chỉ số MSCI Emerging Market của các thị trường mới nổi có phiên giảm thứ 7 liên tiếp, với mức giảm 1,6%.

Đã có những dấu hiệu cho thấy tâm lý hoảng loạn đã lan từ thị trường chứng khoán Mỹ sang các tài sản khác. Các chỉ số đo lường mức độ biến động của trái phiếu không khuyến nghị đầu tư (junk bond), chứng khoán thị trường mới nổi và trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng mạnh.

Áp lực bán tháo cổ phiếu trong tuần này đến từ thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, nơi lợi suất tăng vọt lên mức 4 năm, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất. Kết thúc tuần, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dừng ở mức 2,85%, gần bằng mức đầu tuần, do giá trái phiếu tăng lên vào thời điểm tốc độ bán tháo cổ phiếu đạt mức cao nhất.

Giá các loại hàng hóa cơ bản gồm dầu thô, vàng và các kim loại công nghiệp đồng loạt giảm trong phiên ngày thứ Sáu. Trong đó, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 3,2%, còn 59,18 USD/thùng, mức thấp nhất trong 6 tuần. Giá vàng giao sau giảm 0,3%, còn 1.314,59 USD/oz.

Đồng USD, Euro và Bảng Anh cùng giảm giá, trong khi những đồng tiền với vị thế "vịnh tránh bão" như Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ tăng giá.

Giới giao dịch hiện đang dồn sự chú ý vào dữ liệu lạm phát Mỹ công bố vào tuần tới. Họ cho rằng nếu lạm phát tăng, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm và sức mua của người tiêu dùng sẽ đi xuống. Lạm phát tăng cũng sẽ kéo lãi suất tăng. Tất cả những yếu tố này tạo ra một môi trường không có lợi cho cổ phiếu.

Chứng khoán châu Âu và châu Á không thể "miễn nhiễm" với ảnh hưởng từ đợt giảm "kinh hoàng" tuần này của chứng khoán Mỹ. Chỉ số Stoxx Europ 600 của thị trường châu Âu có tuần giảm tồi tệ nhất từ năm 2016, mất khoảng một nửa thành quả tăng giá từ đầu năm. Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất 2 năm, trong khi chỉ số MSCI World Index của thị trườn toàn cầu có tuần sụt mạnh nhất kể từ năm 2016.