14:43 30/10/2018

Phối hợp chặt với đơn vị điện lực nếu thi công gần đường dây điện

Minh Ngọc

EVN lưu ý việc thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước về việc phối hợp giữa đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện và đơn vị điện lực

Tai nạn do đơn vị thi công không thông báo với đơn vị điện lực trong quá trình thi công công trình.
Tai nạn do đơn vị thi công không thông báo với đơn vị điện lực trong quá trình thi công công trình.

Các quy định hiện hành của Nhà nước về việc phối hợp giữa đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện và đơn vị điện lực

Vào ngày 26/10/2018 vừa qua tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra tại nạn nghiêm trọng làm 4 người bị điện giật gây tử vong khi thi công dựng cột viễn thông. 

Nguyên nhân ban đầu được xác định do đơn vị thi công không thông báo cho đơn vị điện lực để phối hợp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc. 

Để ngăn ngừa việc tái diễn xảy ra tai nạn điện do việc thiếu sự phối hợp đầy đủ giữa đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện và đơn vị điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Luật Điện lực Điều 51, Khoản 8 có quy định: 

Khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Trong đó bao gồm các hành vi: trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.

Ngoài các quy định nêu trên trong Luật Điện lực và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP như trên, tại Điều 34 của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng cũng nêu rõ: Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người lao động, thiết bị, phương tiện thi công và công trình trước khi thi công xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận.

"EVN rất mong các đơn vị có công trình thi công gần đường dây điện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điện lực liên quan để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình thi công", EVN nêu.

Ngay sau khi xảy ra việc 4 người bị điện giật tử vong tại xã Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã phối hợp cùng lãnh đạo EVN tới hiện trường để tìm hiểu và xử lý.   

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Công Thương, trong quá trình làm việc, đoàn công tác của bộ này đã xác định vào 16 giờ 30 phút ngày 26-10, tại khu vực cánh đồng Nhà Ả, thuộc địa phận thôn 8A, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, xảy ra vụ tai nạn điện làm tử vong 4 người tại khoảng cột 101 đến 102 trục chính đường dây trung áp 35 KV lộ 372 CX.

Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do tổ thi công của chi nhánh Viettel Hà Tĩnh thực hiện thi công dựng cột kéo cáp viễn thông đã không phối hợp và thông báo với ngành điện lực để thực hiện các biện pháp an toàn lao động, tự ý thi công dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn đường dây trung áp 35 KV bị điện giật gây tai nạn. Các nạn nhân gồm: Phạm Xuân Lành, Phạm Xuân Tình, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Đức Ngoãn, đều trú tại thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 8745/BCT-ATMT hỏa tốc gửi EVN khẩn trương chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Công ty Điện lực Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, đơn vị thi công công trình viễn thông gần đường dây dẫn điện dừng tất cả các hoạt động thi công để phục vụ công tác điều tra tai nạn theo quy định; tổ chức thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình các nạn nhân bị tai nạn điện giật.