08:15 18/10/2019

Phụ nữ Việt làm chủ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á

Dương Thùy

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, gây khó khăn trong tiếp cận các hỗ trợ về vốn

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà. Ảnh - Mạnh Dũng.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà. Ảnh - Mạnh Dũng.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chiều 17/10, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á, song hầu hết doanh nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Báo cáo kết quả thi hành luật, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, sau 10 năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á.

Tính đến năm 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Ở lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận với các hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp.

10 năm qua, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ 48% đến 48,5%.

Mặc dù vậy, vẫn còn có sự khác biệt trong chất lượng việc làm và thu nhập bình quân của lao động nam và nữ (nữ khoảng 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng).

Ngoài ra, khác biệt về tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến các hạn chế về tiêu chuẩn, độ tuổi đề bạt, bổ nhiệm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội của lao động nam và nữ.

Theo quy định tại Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức, lãnh đạo, cán bộ, công chức được bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ.

Nhưng, sau khi Luật Bình đẳng giới ra đời và có hiệu lực thi hành, quy định này vẫn chưa được sửa đổi đề phù hợp với các quy định tại Luật Bình đẳng giới về nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm đã tạo nên những rào cản cho phụ nữ khi tham gia vào các vị trí việc làm.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá, Luật Bình đẳng giới do mang tính lồng ghép cao, do đó trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đặc biệt, tư tưởng định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới...

Trước những thực tế như vậy, báo cáo đã đề xuất các kiến nghị với Quốc hội trong việc tăng cường hoạt động giám sát thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; đặc biệt trong các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép giới trong xây dựng các luật chuyên ngành và phân bổ ngân sách có trách nhiệm giới.