18:24 26/03/2018

Quanh chuyện ông Trump không miễn thuế thép cho Nhật Bản

An Huy

Nhật Bản vốn thân Mỹ, nhưng lại không được Tổng thống Trump miễn trừ khỏi việc đánh thuế thép và nhôm

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York, tháng 9/2017 - Ảnh: New York Times.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York, tháng 9/2017 - Ảnh: New York Times.

Nhật Bản và Mỹ là đồng minh thận cận từ lâu, nên việc Tổng thống Donald Trump không miễn thuế thép cho Nhật khiến không ít người bất ngờ.

Theo tờ New York Times, thời gian gần đây, Nhật liên tục đón những tin không vui trong quan hệ với Mỹ.

Giữa tháng này, Tokyo bỗng phát hiện mình rơi vào thế "trơ trọi" sau khi ông Trump bất ngờ nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để bàn về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tiếp đó, vào tuần trước, Nhật Bản trở thành đồng minh lớn duy nhất của Mỹ bị bỏ ngoài danh sách các quốc gia được chính quyền Trump tạm miễn trừ khỏi hàng rào thuế quan nhôm và thép.

Ngoài Liên minh châu Âu (EU), các nước được hưởng sự miễn trừ này - gồm Australia, Brazil, Mexico, và Hàn Quốc - đều là những nước đang trong quá trình đàm phán hiệp định tự do mậu dịch căng thẳng với Mỹ.

Sự "ghẻ lạnh" của ông Trump

New York Times nhận xét, sự phớt lờ của Mỹ đối với Nhật về miễn trừ thuế thép có thể được xem như một hành động "hắt hủi" cá nhân đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã có nhiều nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump thông qua việc chơi golf cùng và những cuộc điện đàm thường xuyên.

"Đây đúng là một dạng bi hài kịch. Ông Abe thực sự đã cố gắng thân thiết với ông Trump, và cho tới gần đây, ông ấy vẫn được coi là một người bạn thân mà ông Trump có. Nhưng hóa ra điều đó chẳng hề đem lại lợi lộc gì trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia của Nhật", nhà khoa học chính trị Koichi Nakano thuộc Đại học Sophia ở Tokyo nhận định.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng ông Abe không phải là đồng minh đầu tiên của Mỹ bị ông Trump "ghẻ lạnh". Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đã lần lượt trải qua sự lạnh nhạt của nhà lãnh đạo Mỹ.

Nhật Bản cũng hoàn toàn có khả năng được miễn thuế thép và nhôm của Mỹ. Chính quyền Trump vẫn đề ngỏ khả năng cho các quốc gia được miễn thông qua đàm phán. Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko nói rằng "nhiều khả năng" một số sản phẩm thép và nhôm của nước này sẽ được Mỹ miễn hàng rào thuế quan.

Tuy vậy, cách đối xử của Mỹ với Nhật trong chuyện thuế thép đã cho thấy rằng, về thương mại, Tokyo nên coi Washington vừa là bạn bè, vừa là đối thủ (frenemy), thay vì đơn thuần là bạn.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump từng chỉ trích Nhật "nghiền nát" Mỹ về thương mại. Sau khi đắc cử, ông cảnh báo sẽ áp thuế ở mức cao đối với hãng xe Nhật Toyota nếu hãng này xây nhà máy mới ở Mexico.

Trong chuyến thăm Tokyo vào mùa thu năm ngoái, ông Trump nói với lãnh đạo các công ty Nhật rằng họ nên "cố gắng sản xuất xe ở Mỹ, thay vì sản xuất ở nơi khác và mang đến Mỹ bán", cho dù thực tế là các hãng xe Nhật đang sản xuất ở Mỹ khoảng 4 triệu xe mỗi năm, nhiều gấp đôi số xe nhập khẩu từ Nhật vào Mỹ.

Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Thương mại Nhật Seko nói rằng "thực sự đáng tiếc" khi nước này không được Mỹ miễn thuế thép và nhôm. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định giới chức Nhật có thể đã hiểu rằng việc ông Trump có hành động thương mại đối với Tokyo chỉ là vấn đề thời gian.

Ông Trump muốn gì?

Một số chuyên gia nói, việc ông Trump loại Nhật khỏi danh sách miễn thuế thép và nhôm có thể là một chiến thuật đàm phán để buộc Tokyo phải bước vào đàm phán thỏa thuận tự do mậu dịch với Washington.

"Ông Trump muốn có sự nhượng bộ từ phía Nhật Bản về thị trường ôtô, hoặc thậm chí là nông sản", giáo sư Shujiro Urata thuộc Đại học Waseda ở Tokyo nhận xét. "Để đạt được những nhượng bộ như vậy, cách làm của ông ấy có thể là một chiến lược rất hiệu quả".

Các chuyên gia cũng nói rằng đây là cách để ông Trump "lấy lòng" lực lượng cử tri ủng hộ ông, bởi trong lịch sử 30 năm qua, Nhật luôn bị coi là một "kỳ phùng địch thủ" của Mỹ trong các cuộc chiến tranh thương mại.

Ngoài ra, trong bất kỳ trường hợp nào, thuế thép và nhôm không có khả năng tác động nhiều đến nền kinh tế Nhật. Xuất khẩu thép của Nhật sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% tổng xuất khẩu thép của nước này, trong khi Nhật sản xuất rất ít nhôm.

"Vấn đề nghiêm trọng thực sự đối với thế giới là sản lượng thép quá lớn của Trung Quốc", giáo sư Masahiko Hosokawa thuộc Đại học Chubu, Nhật Bản, nhận định. "Trừ phi vấn đề nguồn cung thép dư thừa của Trung Quốc được giải quyết, lượng thép thừa này sẽ tràn ngập thị trường châu Á nếu Mỹ ngừng nhập, và giá thép sẽ tiếp tục giảm".

Hành động của ông Trump cũng làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á. Do tính khí "khó lường" của ông Trump, nhiều nước sẽ xem Mỹ là "một quốc gia khó hợp tác, không thể tin tưởng và dựa vào", từ đó để lại một khoảng trống mà Trung Quốc dễ dàng lấp đầy.

Trước mắt, Nhật Bản ở vào thế khó trong đàm phán thương mại với Mỹ, bởi Thủ tướng Abe đang vướng vào vụ bê bối trong đó ông bị nghi ưu ái một người bạn trong một vụ mua bán đất. Scandal này khiến ông Abe khó có được một vị thế mạnh để đàm phán với chính quyền Trump, và cũng khó thuyết phục được các doanh nghiệp Nhật chịu nhượng bộ về thương mại.

Mặc dù vậy, ông Trump cũng có thể đổi ý bất kỳ lúc nào.

Chuyên gia cấp cao Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington nói rằng, theo luật của Mỹ về thuế quan, Washington "có thể miễn thuế thép cho Nhật ngay ngày mai, hoặc quay lại áp thuế đối với châu Âu và Canada. Các quy định giúp ông Trump có thể thoải mái làm những gì mà ông ấy muốn".