Quý 1/2018: Xuất siêu hơn 1,5 tỷ USD sang Anh
Tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai nước Việt - Anh liên tục tăng trong các năm qua với thặng dư thương mại hàng hóa nghiêng về phía Việt Nam
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã tăng hơn 30% trong quý 1 năm 2018 và 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu sang Anh hơn 1,5 tỷ USD.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt 1,31 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, hàng hóa có xuất xứ từ Anh nhập khẩu vào Việt Nam đạt 185 triệu USD, tăng 17,6% so với quý I/2017. Với diễn biến này, cán cân thương mại tiếp tục ở trạng thái mất cân bằng với mức thặng dư nghiêng về phía Việt Nam.
Cùng xu thế này, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Anh ở mức hơn 1,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Cụ thể, đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt 1,75 tỷ USD, và kim ngạch nhập khẩu từ Anh là 238 triệu USD.
Việt Nam xuất khẩu sang Anh quốc chủ yếu là các điện thoại và linh kiện, giày dép, hàng dệt may và thủy sản. Đến hết tháng 4 năm nay, tổng giá trị hàng điện thoại và linh kiện đã bán sang Anh là hơn 705 triệu USD, tiếp sau đó là mặt hàng dệt may với hơn 215 triệu USD, giày dép đạt hơn 201 triệu USD và thuỷ sản đạt hơn 78 triệu USD.
Xét trong cùng kỳ, Việt Nam nhập khẩu từ Anh chủ yếu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch hơn 67 triệu USD; nhóm hàng dược phẩm đạt kim ngạch hơn 45 triệu USD; nhóm hàng hóa chất đạt hơn 13 triệu USD.
Trước đó, trong giai đoạn từ năm 2013-2017, Anh quốc luôn nằm trong danh sách 15 đối tác có xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân năm trong 5 năm qua đạt gần 5%. Năm 2017, Anh quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam, tăng 1 bậc so với năm 2016. Trong khi đó, đối với nhập khẩu, Anh xếp ở vị trí thứ 26 giảm 2 bậc so với 1 năm trước.
Nếu như trong năm 2013, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Anh đạt 4,27 tỷ USD, thì đến năm 2017 trao đổi song phương giữa hai nước đã tăng gần 44% và đạt mốc 6,15 tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh trong giai đoạn 2013-2017 luôn cao hơn nhiều lần so với nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia này.
Cụ thể năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 3,7 tỷ USD hàng hóa sang thị trường Anh, cao gấp 6 lần so với nhập khẩu. Đến năm 2017, xuất khẩu sang quốc gia này đã cao gấp 7 lần so với nhập khẩu.
Về xu hướng tăng trưởng, trị giá xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đã tăng 46,4% trong giai đoạn 2013 -2017 lên mức đạt 5,42 tỷ USD, chiếm 2,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Các mặt hàng chủ yếu được Việt Nam xuất khẩu sang Anh Quốc trong 5 năm qua bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...
Ở chiều ngược lại, hàng hóa có xuất xứ từ Anh được nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2017 đạt hơn 733 triệu USD, tăng 30% so với năm 2013. Các mặt hàng chủ yếu được nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Anh bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; dược phẩm; sản phẩm hóa chất; ôtô nguyên chiếc các loại...
Với diễn biến này, Việt Nam luôn đạt mức thặng dư cao trong trao đổi song phương với Anh Quốc trong 5 năm qua. Cụ thể, trong năm 2014, Việt Nam xuất siêu sang Anh 3 tỷ USD. Mức xuất siêu này tiếp tục tăng cao trong các năm tiếp theo và đạt mức cao nhất vào năm 2017 (thặng dư 4,68 tỷ USD) .
Tính riêng trong nội khối Liên minh châu Âu (EU), trong giai đoạn từ năm 2013-2017, Anh luôn là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu xếp vị trí thứ 3 và nhập khẩu xếp vị trí thứ 8.
Ấn phẩm thường niên Trade Profile 2017 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ghi nhận, về xuất khẩu hàng hóa Anh xếp ở vị trí thứ 10 trên thế giới và nhập khẩu xếp ở vị trí thứ 4. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Anh với tỷ trọng chiếm 47%; Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu lớn thứ hai của Anh (chiếm 15%); tiếp theo là Thụy Sỹ, Trung Quốc và Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại quốc gia này chủ yếu nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ EU với tỷ trọng là 51,9%; tiếp theo là các hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 9,4%; Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Na Uy cũng là các đối tác chính xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.