13:56 11/09/2019

Quy định lớn của Hiến pháp khó thi hành do thiếu tiền

Nguyễn Lê

Một vấn đề lớn của Hiến pháp liên quan đến đảm bảo quyền công dân, quyền con người đang rất khó thực hiện, do tiền không có, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: QP
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: QP

Một vấn đề lớn của Hiến pháp liên quan đến đảm bảo quyền công dân, quyền con người đang rất khó thực hiện, do tiền không có, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 11/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Vẫn "nợ" 21 luật cụ thể hoá Hiến pháp

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự…

Với 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong danh mục nhưng chưa được ban hành, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý cần phải xác định rõ lộ trình ban hành một số luật liên quan đến quyền công dân như Luật Về hội, Luật Biểu tình... không thể cứ kéo dài mãi.

Chính phủ đánh giá, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Báo cáo cũng nêu rõ, đối với nhóm quyền con người, quyền công dân trong tư pháp như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, quyền bình đẳng trước pháp luật… cũng đã được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự...

Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc ban hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã giúp cho Nhà nước và nhân dân có thêm công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong phòng, chống tội phạm, thể hiện tính nhân đạo, tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội của Đảng và Nhà nước, đồng thời đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Không thiếu quy định để kiểm soát quyền lực

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì luật đã cụ thể hoá quyền công dân, quyền con người được quy định trong Hiến pháp nhưng có nhiều khó khăn trong thực thi.

Chẳng hạn, quy định về bắt buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trong cuộc họp của Uỷ ban Tư pháp đầu tháng 9 vừa qua nói không có tiền để mua thiết bị.

Khi đề xuất việc này Chính phủ cũng đồng ý với ý nghĩa ghi âm ghi hình vừa để chống bức cung nhục hình cũng là căn cứ để chứng minh cho hoạt động của cơ quan điều tra nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, bà Nga nhấn mạnh và đề nghị Bộ trưởng Tư pháp cần báo cáo lại vấn đề này.

Vấn đề nữa cũng được Chủ nhiệm Nga nêu là với nhiều vụ án lớn Bộ Công an đang phải nợ tiền các cơ quan giám định.

Như vậy, vấn đề lớn của Hiến pháp là đảm bảo quyền công dân, quyền con người khó thực hiện, bà Nga nhấn mạnh.

Đánh giá về những hạn chế trong thi hành Hiến pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long nói, công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan Trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến. Một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ (ví dụ như vấn đề phân công, kiểm soát quyền lực; phân cấp, phân quyền...).

Cho rằng cần xem lại đánh giá này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga khằng định quy định về kiểm soát quyền lực đã có đủ cả, vấn đề có thực hiện hay không thôi.

Nói là phân công kiểm soát quyền lực chưa được cụ thể hoá thì không chính xác. Hoạt động của các cơ quan tư pháp, của Chính phủ chịu sự giám sát của Quốc hội, Quốc hội chịu sự giám sát của nhân dân, bà Nga nói.