Quyết định thanh tra tái cơ cấu doanh nghiệp tại Bộ Công Thương
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đề nghị Bộ Công Thương phải thực hiện các yêu cầu về việc cung cấp tài liệu, hồ sơ kịp thời, đầy đủ cho đoàn thanh tra
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Công Thương trong giai đoạn từ 2011-2017, trong vòng 70 ngày làm việc thực tế.
Ngày 7/6/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn) thuộc Bộ Công thương.
Đoàn thanh tra gồm 11 thành viên do ông Nguyễn Duy Bính, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đề nghị Bộ Công Thương phải thực hiện các yêu cầu về việc cung cấp tài liệu, hồ sơ kịp thời, đầy đủ cho đoàn thanh tra. Bộ Công thương cũng như các đơn vị có liên quan phân công đầu mối bố trí thời gian, sắp xếp lịch làm việc với đoàn, tạo mọi điều kiện để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất.
Đối với đoàn thanh tra, Phó Tổng Thanh tra yêu cầu chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương cũng như các tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thành viên để thực hiện thanh tra theo đúng nội dung, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; không kéo dài thời gian và hạn chế tối đa việc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị được thanh tra.
Liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mới đây, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế (2011-2015) đã có 508 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, đạt 96,5% kế hoạch. Đây là một kết quả không tồi.
Tuy nhiên, ông Thiên cho biết, chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân, nên dù kế hoạch cổ phần hóa đạt thành tích rất cao nhưng mục đích thật sự của cổ phần hóa là phân bổ lại nguồn lực lại không đạt được.
"Doanh nghiệp cổ phần hóa thực chất vẫn là doanh nghiệp nhà nước, cơ chế hoạt động tranh tối tranh sáng, tài sản bị thất thoát, sử dụng kém hiệu quả. Các chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa", ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, có một nghịch lý trong tiếp cận tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đó là cổ phần hóa không phải tư nhân hóa. Nhà nước một mặt muốn bán được hàng, được giá nhưng lại cố gắng hạn chế bán, hạn chế mua; muốn nguồn lực quốc gia được sử dụng hiệu quả nhưng cố gắng chuyển vốn cho các chủ thể biết cách sử dụng hiệu quả ít và chậm.
Từ đó, ông Thiên cho rằng cần phải thay đổi tư duy theo hướng thị trường, và có những giải pháp đột phá trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Mặt khác, theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2016, cả nước cổ phần hóa được 570 doanh nghiệp, tổng giá trị thực tế của các doanh nghiệp là 797.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 214.000 tỷ đồng.
Sang giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch cả nước phải cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp, trong đó năm 2017 là 44 doanh nghiệp, năm 2018 là 64 doanh nghiệp, năm 2019 là 18 doanh nghiệp và năm 2020 là 1 doanh nghiệp.
Riêng Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến nay đơn vị này đã cổ phần hóa và thoái vốn 17 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 6 Tập đoàn, Tổng công ty.
Tháng 1/2018, Bộ Công Thương đã cổ phần hóa thành công 3 đơn vị là Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tập trung thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp (VEAM).
Riêng với Habeco, trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung đàm phán, xử lý các vướng vấn đề tồn tại trong hợp đồng với Carberg, làm làm cơ sở cổ phần hóa tại Habeco.