16:18 21/11/2017

Rộng mở "cánh cửa" hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ba Lan

Đặng Hương

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ba Lan trong năm 2017 có thể đạt 1 tỷ USD

Ba Lan được đánh giá là quốc gia có ưu thế về nông nghiệp tại châu Âu với nền nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn cao.
Ba Lan được đánh giá là quốc gia có ưu thế về nông nghiệp tại châu Âu với nền nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn cao.

"Việt Nam hiện là một trong 14 thị trường quan trọng trên thế giới đối với các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, thực phẩm Ba Lan. Chúng tôi xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên hợp tác trong thời gian tới của Ba Lan với nhiều cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp 2 bên", ông Tomasz Zmiejko, Phó Giám đốc Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ba Lan nói.

Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tới Việt Nam dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11/2017, ông Tomasz cho biết, nông nghiệp sẽ là một trong những nội dung làm việc quan trọng giữa hai bên để thảo luận những biện pháp nhằm tháo gỡ nút thắt, tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hợp tác hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước.

"Chúng tôi kỳ vọng sau chuyến thăm, những cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước sẽ được mở ra và điều quan trọng là các cơ hội này sẽ biến thành sự thật", ông Tomasz nói.

Mở "cánh cửa" hợp tác mới

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1993 đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Ba Lan liên tục tăng và tăng khá nhanh. Từ 2001 - 2006, kim ngạch thương mại hai chiều tăng khoảng ba lần, từ 117 triệu USD lên 330 triệu USD. 

Đến năm 2016, con số này đã cán mốc gần 790 triệu USD. Dự báo, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2017 có thể đạt 1 tỷ USD, bởi chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đã lên gần 700 triệu USD.

Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Đông Âu. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu mạnh mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, chế phẩm từ thịt và gia cầm, táo, và một số mặt hàng nông sản khác từ phía Ba Lan.

Theo ông Vũ Đăng Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, nếu so với các lĩnh vực khác, nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam và Ba Lan có nhiều triển vọng. Vì vậy, để chuyến thăm mở ra "cánh cửa" hợp tác mới, phải rà soát chính sách hợp tác giữa hai bên, cái nào cũ, lạc hậu thì phải bỏ đi hoặc làm mới để phù hợp với thực tiễn.

Đánh giá về nền nông nghiệp Ba Lan, ông Dũng cho biết, Ba Lan là quốc gia có ưu thế về nông nghiệp tại châu Âu với điểm mạnh là nền nông nghiệp sạch, đạt được tiêu chuẩn cao trong canh tác, nuôi trồng và chế biến với giá thành cạnh tranh do chi phí lao động thấp hơn so với các quốc gia khác ở châu Âu. 

Hơn nữa, Ba Lan cũng đang trong quá trình chuyển đổi, vì vậy, rất nhiều kinh nghiệm phát triển của Ba Lan có thể phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. 

"Ba Lan cũng có thế mạnh về nông nghiệp nhưng điều này không có nghĩa là hai nước sẽ cạnh tranh với nhau mà sự phát triển này lại theo hướng bổ sung cho nhau cùng phát triển", ông Dũng khẳng định.

Đặc biệt, với việc Ba Lan trở thành mắt xích quan trọng trong châu u thì với việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), hàng hóa của Việt Nam có thể thông qua "cửa ngõ" Ba Lan để thâm nhập châu Âu. "Triển vọng hợp tác của hai bên trong thời gian tới là rất tích cực", ông Dũng nhận định.

Tăng cường kết nối thông tin

Nhìn nhận về cơ hội hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Beata Zolcik Grzyb, Giám đốc xuất khẩu, Công ty Activ cho biết, Việt Nam hiện là một trong những thị trường xuất khẩu táo và nước ép táo mà Activ muốn tập trung trong giai đoạn tới, nhất là sau giai đoạn thị trường Việt Nam đã có những tín hiệu ban đầu đón nhận sản phẩm đến từ Ba Lan. 

Theo đó, Activ đang có những kế hoạch kinh doanh với các đối tác tại Việt Nam để mở rộng kênh phân phối sản phẩm táo và nước ép táo tại Việt Nam. Đây cũng là bước đi chiến lược của Activ nhằm đón đầu thị trường khi EVFTA chính thức có hiệu lực. "EVFTA sẽ là một hiệp định thương mại mang lại rất nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực mà hai nước đều có thế mạnh", bà Beata đánh giá.

Tuy vậy, để biến những cơ hội này thành hiện thực, bà Beata cho rằng, không chỉ doanh nghiệp hai bên cần có sự chuẩn bị đón đầu cơ hội mà Chính phủ hai nước cũng cần có sự hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy kênh giao thương giữa hai nước như việc chia sẻ thông tin về thị trường, các thủ tục pháp lý liên quan, giảm các quy định hành chính...

Ông Dũng cũng thừa nhận rằng, mặc dù Việt Nam được xác định là một trong 6 thị trường ưu tiên của Ba Lan trong giai đoạn tới nhưng trên thực tế, thông tin về Việt Nam mà các doanh nghiệp Ba Lan nắm bắt còn chưa nhiều. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết về thị trường Ba Lan cũng còn ít.

"Người Ba Lan chỉ biết về cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Việt Nam cũng không biết nhiều về Ba Lan, các đoàn doanh nghiệp vào châu u cũng ít qua Ba Lan, chủ yếu qua Tây Âu, qua Đông Âu thì vào Hungary hay Séc", ông Dũng cho biết.

Vì vậy, một trong những giải pháp hàng đầu để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, theo ông Dũng, là phải tăng cường kết nối thông tin để doanh nghiệp hai bên nắm bắt thị trường, nắm bắt đối tác để xây dựng cho những kết nối trong tương lai.