08:07 06/11/2018

“Room” ngoại tại Vinaconex là 0%: Nhà đầu tư còn có cơ hội?

Hoàng Xuân

Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) tại một doanh nghiệp đa ngành nghề như Vinaconex tối đa sẽ là 0%

Trụ sở Vinaconex tại Hà Nội.
Trụ sở Vinaconex tại Hà Nội.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể tham gia mua cổ phần tại cả hai thương vụ thoái vốn của SCIC và Viettel tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã chứng khoán: VCG-HNX) vào ngày 22/11 tới, bởi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room) tại VCG là 0% vốn điều lệ. Đây là khẳng định của lãnh đạo Vinaconex khi trả lời về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VCG hiện nay.

"Ngay ngày 6/11, chúng tôi sẽ có công văn chính thức gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex theo đúng quy định tại Thông tư 123/2015/TT-BTC. Sau khi xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và được Ủy ban Chứng khoán xác nhận, Vinaconex thực hiện thủ tục chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài trước khi SCIC và Viettel bán phần vốn nhà nước tại VCG", lãnh đạo Vinaconex cho biết.

Được biết đến là một trong những Tổng công ty hàng đầu của ngành xây dựng trong lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản với quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49%, nhưng trong đăng ký kinh doanh của Vinaconex, còn có tới 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác không cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần. 5 ngành nghề đó bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượu bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu.

Theo quy định tại Điều 2a Nghị định 60/2015/NĐ-CP và khoản 2 Điều 11 Thông tư 123/2015/TT-BTC, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại một doanh nghiệp đa ngành nghề như Vinaconex tối đa sẽ là 0%.

Mặt khác, lãnh đạo Vinaconex cũng khẳng định là không thể loại bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nói trên để nới room lên 100% được bởi đây là một phần quan trọng tạo nên giá trị doanh nghiệp Vinaconex trong 30 năm qua.

Về phía SCIC, đơn vị thực hiện thoái vốn trọn lô 57,71% vốn điều lệ của Vinaconex, cũng khẳng định rằng, nhà đầu tư nước ngoài không có đủ điều kiện tham gia đợt đấu giá vào ngày 22/11 tới bởi giới hạn "room" ngoại này. Chưa tính đến 5 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nói trên, chỉ riêng ngành nghề kinh doanh cốt lõi của Vinaconex là kinh doanh bất động sản cũng đã giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49%. Trong khi lô đấu giá của SCIC lên tới 57,71% vốn điều lệ của Vinaconex.

"Chúng tôi luôn chủ động và tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội để tham gia khi Nhà nước thoái vốn. Việc rà soát các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với Vinaconex cũng nằm trong lộ trình chuẩn bị cho cuộc đấu giá sắp tới, với mong muốn tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược phù hợp và đi cùng Vinaconex để thực hiện chiến lược kinh doanh mới", lãnh đạo SCIC cho biết thêm.

Như vậy, với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex là 0%, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần Vinaconex một cách chính danh chắc chắn không còn. Nhưng có thể vẫn còn một cánh cửa nhỏ sẽ được mở ra như cách mà tỷ phú Thái đã từng áp dụng để mua hơn 70% cổ phần của Sabeco. Danh tính của các nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá của SCIC sẽ dần lộ diện vào ngày 13/11, ngày kết thúc nhận hồ sơ năng lực tham gia đợt đấu giá và chắc chắn hơn nữa là vào 14h ngày 21/11, ngày kết thúc nhận đăng ký và đặt cọc.

Theo công bố thông tin trên bảng điện tử của sàn Hà Nội, tính đến thời điêm ngày 30/10/2018 thì room nhà đầu tư nước ngoài của VCG vẫn còn 168.395.551 cổ phần tương đương 38,12%. Room này được tính trên cơ sở tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được phép trừ đi số lượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài sở hữu (10,88%).

Với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Vinaconex bị hạn chế là 0% thì sắp tới đây, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch đối với cổ phiếu VCG chỉ có thể bán ra mà thôi.