14:42 20/01/2018

Sản lượng dầu lửa của Mỹ sẽ tăng bùng nổ trong năm nay

Bình Minh

Mỹ “có cơ” vượt Saudi Arabia và Nga để trở thành nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới trong năm 2018

Theo số liệu của IEA, sản lượng dầu của Mỹ hiện ở mức 9,9 triệu thùng/ngày, cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Theo số liệu của IEA, sản lượng dầu của Mỹ hiện ở mức 9,9 triệu thùng/ngày, cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Nước Mỹ đang có khả năng vượt qua Saudi Arabia và Nga để trở thành nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới trong vòng 12 tháng tới - hãng tin CNBC dẫn báo cáo hàng tháng mới nhất từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.

"Năm nay hứa hẹn sẽ là một năm lập kỷ lục của ngành dầu lửa Mỹ", báo cáo công bố ngày 19/6 của IEA, cơ quan có trụ sở ở Paris, Pháp, nhận định.

"Sự tăng trưởng sản lượng liên tục sẽ đưa sản lượng dầu của Mỹ lập đỉnh cao lịch sử mới trên 10 triệu thùng/ngày, vượt qua sản lượng dầu của Saudi Arabai và Nga trong năm nay, nếu các biện pháp hạn chế sản lượng của OPEC và các nước đối tác vẫn duy trì", IEA dự báo.

Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô giao sau trên thị trường thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. Hôm thứ Hai tuần này, giá dầu thô Brent tại thị trường London đạt đỉnh 70,37 USD/thùng, trước khi giảm về dưới 69 USD/thùng vào ngày thứ Sáu.

"Những gì mà chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu là mức độ phản ứng của các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ" với sự phục hồi này của giá dầu, ông Neil Atkinson, trưởng bộ phận công nghiệp dầu lửa và thị trường tại IEA, nói với CNBC.

Theo ông Atkinson, với sự tăng giá gần đây của dầu thô, IEA dự báo về một "làn sóng sản lượng" mới từ Mỹ trong những tháng sắp tới. Ông cho rằng, khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ phải "thích nghi" với thực tế này và trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6, OPEC sẽ phải đưa ra đánh giá xem nên phản ứng thế nào.

Động lực chính cho sự phục hồi của giá dầu đến nay vẫn là việc cắt giảm sản lượng của OPEC và 10 nước đối tác, trong đó có Nga. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng này đã được triển khai từ đầu năm ngoái và dự kiến kéo dài đến hết năm nay, nhằm mục đích giảm lượng dầu dư thừa trên toàn cầu và hỗ trợ cho giá dầu.

Một trong những đối tượng hưởng lợi chính từ việc OPEC và Nga giảm sản lượng lại chính là đối thủ lớn của nhóm này - các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Các công ty dầu đá phiến Mỹ đã đẩy mạnh khai thác trở lại cùng với đà phục hồi của giá dầu.

Theo số liệu của IEA, sản lượng dầu của Mỹ hiện ở mức 9,9 triệu thùng/ngày, cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Mức sản lượng này ngang với sản lượng của Saudi Arabia, "anh cả" của OPEC và là nước sản xuất dầu lớn thứ nhì thế giới sau Nga.

IEA cho biết, mức tăng sản lượng dầu 0,6 triệu thùng/ngày của Mỹ trong năm 2017 là vượt mọi dự báo. Báo cáo nói rằng ngoài sự phục hồi của giá dầu do OPEC giảm sản lượng, các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ còn gia tăng lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí và các kỹ thuật khai thác mới.

Trong những năm gần đây, hoạt động khai thác dầu khí của Mỹ gia tăng bùng nổ ở lĩnh vực đá phiến. "Cuộc cách mạng đá phiến" này đã giúp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu nhập khẩu, trong đó có nguồn dầu từ khu vực Trung Đông nhiều bất ổn. Ngoài ra, với sản lượng dầu lớn, Mỹ cũng bắt đầu xuất khẩu dầu đi nhiều nước hơn.

IEA gần như giữ nguyên ước tính về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2017 và 2018, ở mức tương ứng lần lượt là 97,8 triệu thùng/ngày và 99,1 triệu thùng/ngày.

Giá dầu thế giới đã sụt giảm từ mức gần 120 USD/thùng vào tháng 6/2014 do nhu cầu thấp, đồng USD mạnh lên, và sản lượng dầu của Mỹ gia tăng mạnh. Việc OPEC lúc đầu trì hoãn giảm sản lượng cũng được xem là một nhân tố khiến giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, sau đó, OPEC đã đạt thỏa thuận kiềm chế sản lượng vào cuối năm 2016.