11:10 16/01/2020

Sẵn sàng 3 kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp

NHẬT DƯƠNG

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới có thể lây truyền từ người sang người

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh - Dương Nhật.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh - Dương Nhật.

Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Chia sẻ với VnEconomy, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng về việc bệnh có thể lây truyền từ người sang người. Dù vậy, ngành Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng 3 kịch bản để ứng phó với dịch bệnh cả trước, trong và sau khi dịch bệnh xảy ra.

Thưa ông, vừa qua có hai hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) có biểu hiện sốt ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, được biết ngành y tế thì đã cách ly theo dõi với các bệnh nhân này. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về tình hình sức khỏe của 2 hành khách đến thời điểm hiện tại?

Ngày 14/1 vừa qua, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng đã ghi nhận 2 trường hợp khi nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện sốt đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trường hợp đầu tiên là hành khách nam sinh năm 1997 được phát hiện qua máy đo thân nhiệt từ xa, sau đó đã đưa vào khu cách ly tại bệnh viện ở Đà Nẵng.

Hiện tại, hành khách này đã hết sốt, sức khỏe bình thường, tất cả các xét nghiệm sinh hóa máu, chụp X-quang cũng đều cho kết quả bình thường. Tuy nhiên, bệnh viện cũng sẽ làm thêm các chuẩn đoán để xác định cụ thể hơn tình trạng của hành khách.

Trường hợp thứ hai là một cháu bé sinh năm 2016, đi cùng chuyến bay với nam hành khách trên, khi làm thủ tục nhập cảnh cháu bé được phát hiện sốt 37,5 độ C. Ngay sau đó, cháu bé này đã được cơ quan kiểm dịch y tế cho nghỉ ngơi tại phòng cách ly. Sau 30 phút kiểm tra lại thì cháu bé không còn sốt nữa.

Tuy nhiên, cả hai trường hợp này vẫn đang được chúng tôi theo dõi để xem có những biểu hiện bất thường hay không. Hiện các mẫu bệnh phẩm của cả hai đã được lấy gửi về Viện Pasteur Nha trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Bộ Y tế cũng đã tổ chức đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Đà Nẵng để tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tôi khẳng định, đến thời điểm hiện tai, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào viêm phổi cấp do chủng vi rút mới gây ra.

Hiện nay, thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, nguy cơ dịch bệnh từ Trung Quốc xâm nhập sang các nước khác, trong đó có Việt Nam là có thể xảy ra, thưa ông?

Tính đến ngày 13/1, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp cho chủng vi rút mới, 7 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn.

Các bệnh nhân khác trong tình trạng ổn định và chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế bị nhiễm bệnh. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người.

Để triển khai ngăn chặn không để dịch viêm phổi cấp xâm nhập vào Việt Nam, thời gian qua bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai tích cực và chủ động tăng cường nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Trong đó, với những hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam từ các nước, đặc biệt từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) nếu có biểu hiện sốt sẽ lập tức được cách ly. Chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp giám sát tại cộng đồng, sẵn sàng đáp ứng khi có các trường hợp dịch xảy ra.

Hiện nay chúng ta đang ở thời điểm cuối đông đầu xuân, rất thuận lợi cho các dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp lây lan. Ngoài ra, trong thời gian tới, nhất là dịp Tết cổ truyền chắc chắn sẽ có rất nhiều du khách khách đến Việt Nam du lịch, trong đó không thể không có những hành khách đến từ Vũ Hán.

Trong thời gian này, nhu cầu đi lại, về quê của người dân cũng tăng cao hơn nên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các nước khác sang Việt Nam là hoàn toàn có thể.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng sẽ cần triển khai rất nhiều biện pháp đồng bộ và liên tục để sớm phát hiện các dịch bệnh có thể lây lan vào nước ta.

Vậy cụ thể những giải pháp đó là gì, thưa ông?

Bộ Y tế đã tăng cường giám sát ngay tại tuyến đầu là cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, quan sát thể trạng của hành khách khi nhập cảnh vào nước ta. Đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành giám sát trong cộng đồng, nhất là tại các sự kiện nơi tập trung đông người, các cơ sở y tế cũng như truyền thông để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời, minh bạch để người dân có thể tự phòng chống.

Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin từ những cơ quan quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ để có những thông tin chính xác nhất nhằm đưa ra những khuyến cáo phù hợp.

Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp, trên cơ sở đó địa phương sẽ xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương mình. Theo kế hoạch này, chúng tôi đưa ra 3 kịch bản khác nhau để phòng chống dịch.

Một là khi chưa có dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam, với tình huống này mục tiêu là khi phát hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào nước ta, sẽ khoanh vùng xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Tình huống thứ hai là khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam thì cần phát hiện sớm bệnh nhân viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch.

Tình huống thứ ba là giả định dịch bệnh đã lây lan nhanh trong cộng đồng, lúc này hệ thống y tế địa phương cần đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Như vậy, tùy theo từng tình huống mà chúng tôi sẽ có những hoạt động hết sức cụ thể để đáp ứng hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh việc phòng bệnh luôn phải được đặt được lên hàng đầu. Chúng tôi khuyến cáo người dân và cộng đồng hãy hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

Đặc biệt, với những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.