11:01 09/10/2019

Sắp ban hành chỉ thị "thúc" thi hành án hành chính

Nguyễn Lê

Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, dự kiến ban hành trong tháng 11/2019

Dân kiện quan, quan không chịu hầu toà, tỷ lệ thi hành án hành chính năm nào cũng thấp là vấn đề đã được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu đi nều lại nhiều năm
Dân kiện quan, quan không chịu hầu toà, tỷ lệ thi hành án hành chính năm nào cũng thấp là vấn đề đã được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu đi nều lại nhiều năm

Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, dự kiến ban hành trong tháng 11/2019.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn vừa gửi đến Quốc hội đã dùng hai chữ "đặc biệt" cho thông tin nói trên.

"Dân kiện quan, quan không chịu hầu toà, tỷ lệ thi hành án hành chính năm nào cũng thấp" là vấn đề đã được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu đi nêu lại nhiều năm.

Tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019 cũng vẫn thấp (39%) số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Lê Thành Long thì từ ngày 1/10/2018 đến hết ngày 31/7/2019, tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 2.057 bản án hành chính (trong đó, số bản án có nội dung theo dõi là 327 bản án, số bản án không có nội dung theo dõi là 1.730 bản án).

Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo dõi 551 vụ việc (trong đó, năm trước chuyển sang là 224 việc, trong kỳ báo cáo là 327 việc). Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra 491 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án, đăng tải công khai 112 quyết định buộc thi hành án, tổ chức làm việc với người phải thi hành án là 209 vụ việc, có 44 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính.

Kết quả theo dõi: thi hành xong 215 vụ việc, chưa thi hành xong 336 vụ việc.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá, việc chấp hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án còn hạn chế.

Tại một số địa phương, với mức độ quản lý, điều hành lớn (như thành phố Hà Nội, Tp.HCM), lãnh đạo UBND các cấp rất khó sắp xếp lịch làm việc theo giấy triệu tập của tòa án để tham gia tất cả các giai đoạn của các vụ án hành chính.

Còn nhiều bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được chủ tịch UBND và UBND thi hành, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bức xúc, đơn thư khiếu nại kéo dài.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ trưởng thì có nhiều, trong đó có việc chưa tạo được nhiều chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu UBND các cấp nói riêng và các cơ quan trong hệ thống bộ máy nhà nước nói chung trong việc chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính về trách nhiệm tham gia đối thoại, cung cấp tài liệu chứng cứ và tham gia phiên tòa của cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức bị kiện cũng như trách nhiệm thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực thi hành mà cơ quan hành chính, cán bộ, công chức là bên phải thi hành án.

Một số địa phương chưa thật sự quan tâm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thực hiện công tác thi hành án hành chính, trong đó có trách nhiệm chủ động, tự nguyện thi hành án. 

Về nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng nêu vấn đề đáng chú ý là luật hiện hành chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành án hành chính, trong khi đây lại là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người phải thi hành án là cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức.

Qua chất vấn, Quốc hội đã yêu cầu Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ chỉ đạo chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết Bộ Tư pháp đã tiến hành nhiều việc để thực hiện nhiệm vụ này, như đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của UBND và Chủ tịch các cấp tại thành phố Hà Nội, Tp.HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Ngày 22/5/2019, Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của UBND và chủ tịch UBND. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng các kết luận kiểm tra tại các địa phương nêu trên.

Đặc biệt, hiện nay Bộ Tư pháp đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, dự kiến ban hành trong tháng 11/2019, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.