09:52 05/01/2019

Sau Apple, đến lượt đồ hiệu thành “nạn nhân” của kinh tế Trung Quốc giảm tốc

An Huy

Những sản phẩm xa xỉ như túi xách Louis Vuitton có thể sẽ là “nạn nhân” tiếp theo

Bên ngoài một cửa hiệu Prada ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Bên ngoài một cửa hiệu Prada ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Cảnh báo doanh thu suy giảm mà hãng công nghệ Mỹ Apple đưa ra hôm thứ Tư tuần này được ví như một "trái bom" ném vào thị trường tài chính toàn cầu.

Và các nhà đầu tư nhanh chóng đưa ra suy luận: nếu người tiêu dùng Trung Quốc đang giảm mua điện thoại iPhone, thì những sản phẩm xa xỉ như túi xách Louis Vuitton có thể sẽ là "nạn nhân" tiếp theo.

Theo hãng tin Bloomberg, không chỉ khiến giá cổ phiếu của Apple, các hãng đối thủ và nhà cung cấp của hãng này lao dốc, cảnh báo u ám của "quả táo" còn là một đòn giáng vào giá cổ phiếu các công ty sản xuất hàng hiệu vốn phụ thuộc vào cùng đối tượng khách hàng mà các sản phẩm mới nhất của Apple hướng đến.

Cổ phiếu Prada, Kering - hãng mẹ của thương hiệu Gucci, LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton, Burberry, và Richemont - hãng mẹ của thương hiệu trang sức Cartier - đồng loạt trượt dốc sau động thái hạ dự báo doanh thu của Apple.

"Làm ăn ở Trung Quốc đang ngày càng khó, vì thị trường đang bị thắt chặt", ông David Roth, Giám đốc phụ trách mảng vấn đề bán lẻ toàn cầu của công ty quảng cáo và quan hệ công chúng WPP Plc, nhận định. 

"Đây là một tín hiệu đáng ngại, cho thấy rằng mọi người cần thận trọng, tìm hiểu kỹ hơn về Trung Quốc và chuẩn bị tinh thần".

Dự báo doanh thu quý 4/2018 được Apple cắt giảm về mức 84 tỷ USD, từ mức lên tới 93 tỷ USD trước đó, với lý do nhu cầu suy giảm tại thị trường Trung Quốc. 

Dự báo này làm dấy lên những hồi chuông cảnh báo trong khắp ngành công nghiệp hàng xa xỉ, bởi Trung Quốc chiếm khoảng 30% trên thị trường hàng xa xỉ có doanh thu khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu - theo dữ liệu của Euromonitor International.

Cổ phiếu Prada niêm yết tại thị trường Hồng Kông có lúc giảm 3,6% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Tại thị trường châu Âu trong phiên ngày thứ Năm, cổ phiếu Kering mất 5,5%, cổ phiếu LVMH giảm 3,8%, cổ phiếu Burberry sụt 5,9%.

Trong nhiều năm qua, các hãng đồ hiệu từ LVMH cho tới Tiffany luôn hướng đến đối tượng khách hàng là du khách Trung Quốc giàu có, những người không tiếc tiền mua sắm túi xách, nữ trang đắt tiền và các món đồ hiệu khác trong các chuyến đi nghỉ từ Paris tới Dubai.

Giới đầu tư giờ đây lo ngại rằng đồng Nhân dân tệ mất giá, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc vì chiến tranh thương mại, và việc Bắc Kinh hạn chế hoạt động mua sắm ở nước ngoài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hiệu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Richemont đã cảm nhận được ảnh hưởng của sự suy giảm. Hãng sản xuất đồng hồ và nữ trang cao cấp Thụy Sỹ này hồi tháng 11 đã cảnh báo tăng trưởng doanh thu tại Trung Quốc chững lại.

Một "cuộc kiểm tra" về nhu cầu hàng hiệu của người Trung Quốc sẽ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2 tới. Kỳ nghỉ Tết cổ truyền kéo dài một tuần hàng năm thường là một dịp quan trọng để người Trung Quốc chi tiêu mạnh tay, cả ở trong nước và trong các chuyến du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, do chiến tranh thương mại gây sức ép suy giảm lên thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ, và Chính phủ nước này đang nỗ lực khuyến khích tiêu dùng trong nước để hỗ trợ tăng trưởng, người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng mua sắm nội địa thay vì mua sắm trong các chuyến đi ra nước ngoài.

Thuế nhập khẩu đối với quần áo vào Trung Quốc trước đây có lúc lên tới 25%, giờ đã giảm còn 7,1%. Gần đây, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng siết chặt kiểm soát việc du khách nước này mang hàng không khai báo hải quan từ nước ngoài về nước. Những thay đổi này cũng thúc đẩy tiêu dùng trong nước ở Trung Quốc.

Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng hàng hiệu của người Trung Quốc đang gây thách thức cho những hãng bán lẻ như Tiffany - công ty vốn phụ thuộc nhiều vào mức độ hào phóng của du khách Trung Quốc trong những chuyến thăm tới Fifth Avenue hay Rodeo Drive. 

Hồi tháng 10, Tiffany công bố mức doanh thu thấp hơn dự báo và nhấn mạnh việc người tiêu dùng Trung Quốc giảm mua sắm ở nước ngoài. Tuy nhiên, doanh thu của Tiffany ở Trung Quốc vẫn đang mạnh.

Trong bối cảnh như vậy, các công ty đồ hiệu đang cố gắng điều chỉnh để thích nghi, bằng cách mở thêm cửa hiệu ở Trung Quốc hoặc kết hợp với các trang bán hàng trực tuyến tại nước này như Tmall của Alibaba.