15:34 08/05/2018

Sau loạt bê bối của gia đình, chủ tịch Korean Air bị yêu cầu từ chức

Hoài Thu

Các thành viên gia đình sở hữu Korean Air không chỉ bị cáo buộc có hành vi lạm quyền, xúc phạm nhân viên mà còn bị điều tra trốn thuế

Hàng trăm người xuống đường biểu tình yêu cầu ông Cho Yang-ho từ chức - Ảnh: Yonhap.
Hàng trăm người xuống đường biểu tình yêu cầu ông Cho Yang-ho từ chức - Ảnh: Yonhap.

Ông Cho Yang-ho, Chủ tịch của Hanjij Group - hãng mẹ của Korean Air Lines đang phải đối mặt với áp lực lớn yêu cầu từ chức sau loạt bê bối liên quan tới gia đình ông, hãng thông tấn Yonhap cho biết.

Cuối tuần trước, hàng trăm người tại Soeul, gồm có nhân viên của Korean Air đã xuống đường biểu tình yêu cầu ông Cho Yang-ho từ chức.

"Tôi muốn ông ấy từ chức vì lợi ích của công ty", một nhân viên của Korean Air cho biết.

Hiện cơ quan hải quan của Hàn Quốc đang điều tra xem có hay không việc gia đình Cho thường xuyên xử dụng máy bay của Korean Air để vận chuyển hàng xa xỉ mua sắm ở nước ngoài để trốn thuế. Cơ quan Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc đang chuẩn bị yêu cầu vợ của ông Cho - bà Lee Myung-hee, 69 tuổi và 2 con gái trình diện, kênh truyền hình JTBC cho biết ngày 7/5.

Ngoài ra, cảnh sát Hàn Quốc cũng đã tiến hành cuộc điều tra chính thức liên quan tới cáo buộc bà Lee xúc phạm nhân viên trên công trường xây dựng khách sạn vào năm 2014, tờ JoongAng Daily cho biết. Một video quay lại hình ảnh một phụ nữ - được cho là bà Lee - đang chửi bới và đánh các nhân viên. Bà Lee hiện là đồng chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Ilwoo Foundation thuộc tập đoàn Hanjin.

Sau loạt bê bối của gia đình, chủ tịch Korean Air bị yêu cầu từ chức - Ảnh 1.

Con gái cả của ông chủ Korean Air - Heather Cho xin lỗi sau vụ "hạt mắc-ca nổi giận" - Ảnh: Washington Post.

Trong khi đó, hai con gái Emily Cho, 36 tuổi và Heather Cho, 44 tuổi, được biết đến là các "công chúa hư" của Hàn Quốc với những hành vi lạm quyền, xúc phạm khiến dư luận dậy sóng.

Con gái út của ông Cho là Emily Cho bị tố hất nước vào mặt một nhân viên quảng cáo tại một cuộc họp. Còn cách đây 4 năm, con gái lớn của ông là Heather Cho từng phải ngồi tù 5 tháng vì gây ra vụ "hạt mắc-ca nổi giận". Cho đã bắt tiếp viên hàng không quỳ xuống và ra yêu cầu máy bay từ New York quay lại sân bay khi tiếp viên này phục vụ hạt mắc-ca không đúng yêu cầu của mình. 

Cuối tháng trước, ông Cho Yang-ho đã lên tiếng xin lỗi về hành vi của các con gái và tuyên bố sa thải họ khỏi các vị trí trong công ty để giúp việc điều hành "bước sang một trang mới". Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được hàng trăm nhân viên của Korean Air xuống đường biểu tình.

"Chúng tôi không thể chịu đựng sự lộng hành của gia đình Cho nữa", một tiếp viên hàng không Korean Air nói.

Loạt bê bối liên quan tới gia đình Cho đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng thời thương hiệu Korean Air. Korean Air ra đời năm 1962 với tên gọi Korean Air Lines (KAL) thuộc sở hữu của chính phủ Hàn Quốc. Năm 1969, hãng này được Tập đoàn Hanjin mua lại và trở thành công ty tư nhân. Korean Air hiện là hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc.

Theo dự báo của giới phân tích, lợi nhuận ròng của Korean Air có thể giảm 46% trong năm 2018, còn 430,8 tỷ Won, tương đương 403 triệu USD.