09:02 31/10/2018

SCIC thoái toàn bộ 57,71% vốn tại Vinaconex: Cơ hội nào cho nhà đầu tư

Hoài Vũ

Sau thời gian tái cấu trúc thành công, Vinaconex đang sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư mới để thực hiện chiến lược đầu tư mới

Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước.
Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước.

Thương vụ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) dự kiến diễn ra trong quý 4/2018 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường. Sau thời gian tái cấu trúc thành công, Vinaconex đang sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư mới để thực hiện chiến lược đầu tư mới.

Ngày 24/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hai cổ đông lớn nhất trong số 53 cổ đông tổ chức của Vinaconex cùng công bố giá khởi điểm cho đợt đấu giá toàn bộ vốn tại Vinaconex (mã chứng khoán: VCG-HNX). 

Cả hai thương vụ sẽ được thực hiện qua phương thức đấu giá công khai cả lô tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 22/11/2018.

Theo đó, giá khởi điểm được xác định là 21.300 đồng/cổ phiếu. SCIC bán đấu giá 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex. Viettel bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.

Chiến lược mới, đón dòng vốn mới

Cũng như các doanh nghiệp "hàng hiệu" dự kiến sẽ được thoái vốn trong thời gian sắp tới, những lợi thế của Vinaconex được xác định là sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư như: là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả, có nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư như: thương hiệu, thị trường, nhân sự và cả bề dày lịch sử hoạt động.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần. Họ cũng so sánh quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với các thị trường khu vực như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan để thấy Việt Nam chưa tận dụng tốt nguồn lực kinh tế đại chúng.

Là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa vào năm 2006, Vinaconex đã đưa cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2008. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn gồm: SCIC sở hữu 57,71% vốn cổ phần, Viettel sở hữu 21,28% và quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54%.

Chỉ có thích ứng với môi trường kinh doanh và chuyển động của nền kinh tế, các doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển vững vàng. Nhận thức rõ điều đó, Vinaconex đã sớm hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu tư thế giới Credit Suise (Thụy sĩ) xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Vinaconex đã định hướng lại chiến lược phát triển theo hướng giảm bớt đầu mối các công ty thành viên, tập trung phát triển vào hai lĩnh vực then chốt, có thế mạnh là xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Để thực hiện mục tiêu đó, Tổng công ty đã đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp; thoái vốn tại các doanh nghiệp để giảm bớt đầu mối, xây dựng 2 doanh nghiệp mạnh chuyên về xây dựng và kinh doanh bất động sản, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, định hướng chiến lược tài chính dài hạn cho Tổng công ty…

Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu Vinaconex kỳ vọng là 19.440,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đối với Công ty Mẹ, do năm 2017 có khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) 760 tỷ đồng, nên nếu chỉ so sánh về số liệu thuần túy thì kế hoạch năm 2018 thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017.

Nếu so sánh ở các hoạt động thường xuyên thì kế hoạch năm 2018 của Công ty Mẹ đều có mức tăng trưởng khá so với kết quả thực hiện năm 2017 và năm 2016. Riêng với các công ty thành viên của Vinaconex giữ cổ phần chi phối thì kế hoạch lợi nhuận năm 2018 lại thấp hơn so với thực hiện năm 2017 do Tổng công ty đã thoái vốn 100% ở hai Công ty Viwasupco và Vinaconex 7. Đáng chú ý, hai đơn vị thành viên là Vinaconex 2 và Vimeco đều có tổng doanh thu trên 2.000 tỷ đồng.

Kiểm soát được các rủi ro đặc thù

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế mà Vinaconex có được, vẫn có những rủi ro. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và bất động sản, nên Vinaconex sẽ phải đối mặt với 3 rủi ro đặc thù ngành gồm: rủi ro từ tình hình thị trường bất động sản, cạnh tranh của các đối thủ trong ngành và rủi ro tín dụng ngân hàng.

Mặc dù thị trường bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nếu so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực Bất động sản đứng thứ hai sau nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo về tổng vốn đăng ký FDI với 5,85 tỷ USD, chiếm 23% tổng FDI đầu tư vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, với Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018, trong đó Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có kinh doanh bất động sản… cùng với nguy cơ giá tài sản giảm do lãi suất có thể có khả năng tăng, triển vọng thị trường bất động sản trong thời gian tới vẫn có thể đối mặt với sự đi xuống.

Khi thị trường bùng nổ trở lại cũng là khi tiềm ẩn những rủi ro đối với hiện tượng dư cung. Với bề dày lịch sử, Vinaconex đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng nhất của thị trường bất động sản những năm 2011 - 2013, Công ty tin tưởng với bộ máy giám sát chặt chẽ, công ty sẽ hạn chế được các rủi ro từ thị trường,

Trong lĩnh vực xây lắp, Vinaconex phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ lớn như: Coteccons, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.... 

Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, do sự xuất hiện ngày càng nhiều của các chủ đầu tư mới, tình trạng nguồn cung bất động sản lớn có thể dẫn đến cạnh tranh về giá bán nhà ở, giá vật liệu thô và nhân công tăng, sự chậm trễ trong quá trình cấp phép cho các dự án phát triển bất động sản mới của các cơ quan chính phủ có thẩm quyền, hoặc chi phí đền bù tăng.

Với đặc thù riêng, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển phụ thuộc nhiều vào dòng vốn tín dụng. Tại Vinaconex, Tổng công ty luôn duy trì đủ lượng tiền mặt cần cho hoạt động kinh doanh ở mức an toàn nhất cùng với các cam kết, các gói tín dụng tài trợ phát triển dự án từ các ngân hàng lớn. Tổng công ty cũng tăng cường sử dụng linh hoạt các nguồn vốn từ cổ đông, nhà đầu tư chiến lược nhằm duy trì cơ cấu tài chính với mức sử dụng vốn vay hợp lý. Đảm bảo pháp lý dự án, quản lý chặt chẽ tiến độ triển khai dự án để việc sử dụng nguồn vốn được hiệu quả và an toàn.

Đáng chú ý, hai năm gần đây, Vinaconex đã thực hiện chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp để tập trung vào hai lĩnh vực chính gồm: xây dựng và kinh doanh các dự án bất động sản - phát triển hạ tầng. Năm 2017, Vinaconex đã thoái vốn những công ty theo chủ trương Hội đồng quản trị phê duyệt bao gồm: giảm tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty còn 36% vốn điều lệ ở Vinaconex 2, Vinaconex 9 và Vinaconex 12, và thoái toàn bộ vốn tại 4 công ty là Vinaconex 7, Vinata, VVF và Viwasupco. 

Bên cạnh đó, Tổng công ty đã thoái được một phần vốn tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, tiếp tục nhận tiền phân phối từ Quỹ đầu tư Việt Nam và thu tiền giảm vốn điều lệ tại Vinaconex Dung Quất.

Việc thoái vốn những khoản đầu tư tại các công ty con và các công ty liên kết này sẽ mang lợi một khoản lợi nhuận cho Vinaconex hoặc làm giảm chi phí quản lý và nhân sự để tập trung vào hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, việc thoái vốn cũng mang lại rủi ro về dòng tiền trong tương lai của Vinaconex sẽ không có nguồn lợi ích từ một số công ty này mang lại.