Sếp Microsoft: Chính phủ Mỹ đối xử với Huawei “không đúng chất Mỹ”
Chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý của Microsoft cho rằng cách mà Chính phủ Mỹ đang đối xử với Huawei là “không đúng chất Mỹ”
Chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý của tập đoàn phần mềm Mỹ Microsoft, ông Brad Smith, cho rằng cách mà Chính phủ Mỹ đang đối xử với hãng công nghệ Trung Quốc là "không đúng chất Mỹ" và không công bằng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Bloomberg Businessweek vào tuần trước, ông Smith nói rằng theo quan điểm của ông, Huawei nên được phép mua công nghệ Mỹ, bao gồm phần mềm của Microsoft.
Ông Smith nói, cấm Huawei mua công nghệ Mỹ "mà không có một cơ sở thực tế phù hợp, không dựa trên logic và không theo quy định của pháp luật" là điều không nên làm. Ông cũng cho biết Microsoft đã đề nghị cơ quan chức năng Mỹ giải thích về các biện pháp hạn chế đối với Huawei.
"Chúng tôi luôn nhận được câu trả lời rằng: ‘Nếu các ông biết những gì mà chúng tôi biết, thì các ông sẽ đồng tình với chúng tôi’", ông Smith nói. "Và sự phản hồi của chúng tôi là: ‘Vậy thì hãy cho chúng tôi biết những gì các ông biết, để chúng tôi tự mình quyết định. Đó là cách làm ở đất nước này’".
Tổng thống Donald Trump cho rằng Huawei là một nguy cơ an ninh quốc gia đối với Mỹ - một cáo buộc mà Huawei phủ nhận. Tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách hạn chế xuất khẩu nhằm buộc hãng này không thể mua linh kiện và công nghệ Mỹ.
Hiện Mỹ đang nới lỏng biện pháp trừng phạt để Huawei được phép tiếp tục mua linh kiện và công nghệ Mỹ đáp ứng các mạng hiện hữu. Theo dự kiến, từ tháng 11, lệnh cấm sẽ có hiệu lực hoàn toàn.
Theo ông Smith, ông Trump lẽ ra nên hiểu rõ vấn đề hơn, xét đến kinh nghiệm của nhà lãnh đạo Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.
"Nói với một hãng công nghệ rằng họ có thể bán sản phẩm, nhưng không được mua hệ điều hành hay con chip, chẳng khác gì bảo một khách sạn cứ mở cửa nhưng không đặt giường trong phòng và thức ăn trong nhà hàng. Cách làm như vậy đồng nghĩa với đe dọa sự tồn tại của công ty đó", ông Smith nói.
Huawei là một khách hàng lớn mua hệ điều hành Windows của Microsoft cho các sản phẩm máy tính xách tay (laptop).
Cách đây 4 năm, ông Smith và Tổng giám đốc (CEO) Microsoft Satya Nadella đã tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Microsoft. Trong chuyến thăm đó, ông Tập đã chụp ảnh chung với ông Smith, ông Nadella, cùng loạt sếp công nghệ hàng đầu khác của Mỹ như CEO Tim Cook của Apple và CEO Mark Zuckerberg của Microsoft. Với căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay, việc có thêm một chuyến thăm như vậy đã trở thành điều "không tưởng".
Trong một cuốn sách mới được xuất bản, với tựa đề Tools and Weapons: The Promise and the Peril of the Digital Age (tạm dịch: "Công cụ và vũ khí: Hứa hẹn và hiểm họa của kỷ nguyên số"), ông Smith đã phân tích kỹ về căng thẳng Mỹ-Trung. Ông bày tỏ lo ngại rằng sau Huawei, Mỹ có thể áp dụng những hạn chế rộng hơn và ngặt nghèo hơn đối với Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ hiện đang cân nhắc các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới đối với các công nghệ đang nổi lên, trong đó có những công nghệ mà Microsoft đặt cược lớn như trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử (quantum computing).
"Bạn không thể là một người đi đầu về công nghệ trên toàn cầu nếu bạn không mang công nghệ của bạn đến cả thế giới", ông Smith nói.
Microsoft đã đề nghị Bộ Thương mại Mỹ cân nhắc chỉ cấm bán công nghệ và linh kiện Mỹ cho những khách hàng cụ thể hoặc cho mục đích sử dụng cụ thể đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia, chẳng hạn bán cho những trường đại học có liên hệ với quân đội Trung Quốc, thay vì đưa ra lệnh cấm rộng. Ngoài ra, Microsoft cũng muốn đảm bảo rằng hoạt động nghiên cứu học thuật xuyên quốc gia có thể tiếp tục, bao gồm hoạt động của Viện Nghiên cứu Microsoft châu Á đặt ở Bắc Kinh.
Theo ông Smith, một có liên minh các quốc gia để đặt ra tiêu chuẩn cho bảo mật và thu thập dữ liệu, đồng thời tạo sức ép để Trung Quốc điều chỉnh hành vi. Ông Smith cho rằng những quy tắc bảo mật như vậy sẽ quản lý việc chia sẻ dữ liệu "phù hợp" - điều sẽ đóng góp vào sự phát triển của AI và tiếp kịp với các nỗ lực của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng đây là một ý tưởng có thể vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động bảo mật.
Ông Smith, người ủng hộ bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, nói rằng mối lo lớn hơn đối với nước Mỹ hiện nay không phải là vấn đề Huawei mà là vai trò lãnh đạo của nước này trên trường quốc tế. Ông đề cập đến những vấn đề như bạo lực súng đạn ở Mỹ và biến đổi khí hậu.
"Cách duy nhất bạn có thể quản lý công nghệ mang tính toàn cầu là hợp tác thực sự giữa các chính phủ với nhau", ông nói.