10:00 02/11/2019

Shark Liên và phong cách đầu tư quyết liệt

Quang Anh

Bên cạnh việc cả 3 startup đều được đầu tư, tính cách quyết liệt của Shark Liên cũng nhận được nhiều sự chú ý trong tập 15 của Shark Tank Việt Nam

Shark Liên quyết định rót vốn 10 tỷ cho 15% cổ phần để khôi phục làng nghề nước mắm cổ truyền cùng lời cam kết xây dựng một bảo tàng để lưu giữ giá trị văn hóa.
Shark Liên quyết định rót vốn 10 tỷ cho 15% cổ phần để khôi phục làng nghề nước mắm cổ truyền cùng lời cam kết xây dựng một bảo tàng để lưu giữ giá trị văn hóa.

Bên cạnh việc cả 3 startup đều được đầu tư, tính cách quyết liệt của Shark Liên cũng nhận được nhiều sự chú ý trong tập 15 của Shark Tank Việt Nam. Trước đây, Shark Liên cũng không ít lần thể hiện sự quyết đoán cũng như trở thành biểu tượng mạnh mẽ của nữ quyền.

"Cá mập bà ngoại" tranh giành sòng phẳng với các Shark nam

Trong tập 15, Printgo của CEO Nguyễn Tuấn Anh mang đến một nền tảng in ấn trực tuyến với hệ sinh thái liên kết khách hàng, nhà thiết kế và nhà in ấn. Với thị trường lớn, nhu cầu xã hội cao và tiềm năng phát triển cao, Printgo trở thành "miếng mồi ngon" để các Shark tranh giành.

Trong số 3 deal, Shark Liên đưa ra mức đầu tư tốt nhất với 4 tỷ cho 25% cổ phần so với 1 tỷ cho 10% của Shark Dzũng và 4 tỷ cho 40% hoặc 2 tỷ cho 20% của Shark Hưng. Không những thế, bà còn hứa hẹn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho start-up từ tệp khách hàng lên đến hàng triệu user và đại lý bảo hiểm của chính mình. Printgo chính là mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái và sẽ "bùng nổ và tỏa sáng" khi về với "bà ngoại".

Nhờ sự kiên quyết trong đầu tư mà Shark Liên nhận được sự đồng hành của Shark Bình lẫn Printgo. Tuy nhiên, đây không phải điểm nhấn duy nhất của bà trong tập này. Trước đó, Shark Liên gây bất ngờ khi muốn quay lại sau khi rút lui trong dự án VIEC.CO - start-up công nghệ kết nối những người làm việc tự do và doanh nghiệp.

Vì các "cá mập nam" quá phức tạp trong việc tính toán đầu tư, bà quyết định trở lại và khẳng định chắc nịch có thể viết ngay tấm séc trị giá 300.000 USD ngay tại trường quay. Tuy không thành do quy định của chương trình nhưng độ chịu chơi của "bà ngoại" cũng đã khiến các Shark khác phải e dè. Cuối cùng, Shark Dzũng nhận được deal đầu tư vào start-up và ngay lập tức mời Shark Liên tham gia cùng.

Không ít lần thể hiện cá tính mạnh mẽ

Tuy chỉ mới tham gia vào Shark Tank Việt Nam từ mùa 3 nhưng "Bà ngoại" đã trở thành một trong những nhà đầu tư có cá tính mạnh mẽ và được đông đảo khán giả yêu thích. Trong tập 2, tất cả các "cá mập nam" đều rút lui vì nhiều lí do. Shark Liên quyết định rót vốn 10 tỷ cho 15% cổ phần để khôi phục làng nghề nước mắm cổ truyền cùng lời cam kết xây dựng một bảo tàng để lưu giữ giá trị văn hóa.

Trong tập 3, Lamita Dance Fitness - nền tảng số và chuỗi phòng tập vũ đạo với câu slogan "Lan tỏa năng lượng tích cực" - đã lấy được lòng của Shark Liên. Dù start-up còn nhiều thiếu sót và bị các Shark khác từ chối nhưng bà vẫn đầu tư 10 tỷ cho 35% cổ phần nhằm ủng hộ sức khỏe, sắc đẹp của nữ giới. Sang đến tập 4, Shark Liên lại chốt deal vào dự án thu gom, phân loại và xử lý rác thải Revival Waste vì môi trường, ý thức của xã hội chứ không hề trông mong lợi nhuận.

Đặc biệt trong tập 5, "bà ngoại" không đầu tư vào EyeQ vì… dỗi và "tủi thân" khi start-up chỉ nhắm vào Shark Dzũng và Shark Thủy mà thôi. Trong tập 8, Shark Liên có cuộc "đại chiến" với Shark Bình và Shark Dzũng để tranh giành start-up ống hút cỏ Green Joy Straw. Dù phải đối đầu với hai "cá mập" công nghệ nhưng bà vẫn quyết liệt khi khẳng định mình không hề thua kém, thậm chí là còn mang đến nhiều giá trị hơn.

Ngoài ra, Shark Liên cũng nhiều lần từ chối các start-up nếu đi ngược lại các nguyên tắc của bản thân. Đơn cử như dự án Sử Hộ Vương, bà chấp nhận đầu tư 1 tỷ nhưng yêu cầu Start-up phải thay đổi tạo hình các nhân vật cho phù hợp với thuần phong mỹ tục và lịch sử Việt Nam. Divine Corp cũng là một start-up không "vừa ý" Shark Liên vì khởi nghiệp bằng trò chơi điện tử - một lĩnh vực có hại đối với người có xuất thân giáo viên như "bà ngoại".

Với xuất thân nhà giáo, "bà ngoại" luôn nhắm tới những start-up vì môi trường, cộng đồng và nữ giới. Có thể nói, bà chính là biểu tượng của nữ quyền trong Shark Tank nói riêng và xã hội nói chung. Đầu tư vào Lamita Dance Fitness chính là ước muốn phái yếu trở nên xinh đẹp và khỏe mạnh hơn của Shark Liên.

Trong tập 7, Shark Liên tiếp tục thể hiện ủng hộ nữ quyền khi đầu tư vào Be Home - chuỗi khách sạn và trang trí homestay. Bà không hề muốn chia lợi nhuận mà chỉ muốn giúp đỡ người chuyển giới có công ăn việc làm ổn định. Shark Liên đầu tư 5 tỷ cho 35% cổ phần đổi lại cam kết CEO Lê Tiểu Luân phải ở lại làm việc cũng như nhận những người đồng cảnh ngộ vào làm việc.

Với ý nghĩa tương tự, "bà ngoại" cũng rót vốn vào đoàn Lô tô Sài Gòn Tân Thời. Đầu tư vào dự án này đối với Shark Liên với mục đích hỗ trợ là chính cũng như hứa sẽ giúp người đồng tính có công ăn việc làm ổn định.

Ngoài ra, khi đầu tư vào dự án Green Joy Straw, bà từng "gây sốc" khi tuyên bố đầu tư luôn suất của Shark Bình và không muốn "nhìn thấy mặt Shark Bình trong dự án này". Vì là phụ nữ, Shark Liên muốn CEO Nguyên Võ trở thành một nhà khởi nghiệp mạnh mẽ, lan tỏa cảm hứng kinh doanh tới cộng đồng phái yếu Việt Nam.